Như Dân Việt đã thông tin, ông Phạm Văn Công - đại úy, cán bộ thuộc Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) được bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện này cấp phép thành lập khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp trên diện tích 523m2.
Nhưng trên thực tế, ông Phạm Văn Công đã tiến hành xây cả khu “biệt phủ” rộng hơn 5.000m2 với đầy đủ các hạng mục đồ sộ từ cổng vào, hòn non bộ, bể bơi, núi nhân tạo, biệt thự... gây bức xúc trong dư luận và nhân dân huyện Vĩnh Lộc.
Cổng vào đồ sộ. Ảnh: Dân Việt
Ông Đào Trọng Quy - Giám đốc Sở TNMT tỉnh này nói với phóng viên sau khi nhận thông tin về bài báo: "Như phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi khẳng định dù là diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi đi chăng nữa thì cũng chỉ được phép trồng cây chứ làm sao được phép xây nhà cửa kiểu vậy. Đằng này, đất mà ông Phạm Văn Công xây dựng công trình trên đó còn chưa được chuyển đổi hết thì lại càng không được phép. Nếu cán bộ nào cũng như ông Công có mà loạn. Làm thế là sai".
Sau phản ánh của Dân Việt, chiều ngày 4.5, khu "biệt phủ" này bắt đầu được tháo dỡ phần xây dựng vi phạm.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, qua thông tin báo Dân Việt nêu, có thể thấy sự việc này là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm để tạo lòng tin cho nhân dân địa phương.
Theo luật sư Hòe, trong sự việc này có trách nhiệm rất lớn của chính quyền hai địa phương là xã Vĩnh Thành và huyện Vĩnh Lộc, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chủ tịch hai địa phương này.
“Đối với người sử dụng đất, ở đây là ông Công, có thể thấy đã cố ý vi phạm khi xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp phép. Theo quy định của luật hành chính, người sử dụng đất phải nộp phạt và buộc phải tháo dỡ phần công trình vi phạm, sau đó trả lại nguyên trạng diện tích đất đã chiếm dụng”, vị luật sư thông tin.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, luật sư Hòe phân tích, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý đất thuộc thẩm quyền của UBND huyện. "Để sự việc xảy ra, có thấy huyện Vĩnh Lộc mà trực tiếp là bà Chủ tịch Vũ Thị Hương đã thiếu trách nhiệm trong việc giám sát dẫn đến hậu quả công trình vi phạm như trên" - ông Hòe cho hay.
Căn nhà chính. Ảnh: Dân Việt
“Bà Hương chỉ cấp phép cho ông Công 523m2 nhưng thực tế người này xây dựng công trình lớn hơn diện tích trên rất nhiều. Thậm chí, còn xây dựng sai so với giấy phép được cấp ban đầu. Công trình nằm ngay cạnh đường quốc lộ, rất hoành tráng mà không một đơn vị nào nhìn thấy để xử lý. Vậy ở đây liệu có sự “bảo kê” cho ông Công hay không, điều này cần phải làm rõ”, luật sư Hòe nêu quan điểm.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Hòe, chính quyền xã Vĩnh Thành cũng phải có trách nhiệm. Vị luật sư này cho rằng, một công trình đồ sộ trái phép “mọc” trên địa bàn mà mà hơn một năm không ai nhìn thấy thì cũng có nhiều câu hỏi cần đặt ra.
“Theo quy chế về quản lý đất đai hiện hành, Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Trả lời báo Dân Việt sáng nay, ông Công có nói được "anh em tạo điều kiện" và "khi có đoàn kiểm tra tới, có thể lách luật bằng việc mỗi gian cho vài bao gạo, ngô, khoai sắn" để được xây dựng, tôi cho rằng cơ quan chức năng phải làm rõ thông tin này.
Nếu thực có như ông Công nói, đủ dấu hiệu của tội hình sự. Phải làm rõ, anh em ở đây là ai. Ai là người đã bao che cho ông Công tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất?”, luật sư Hòe nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền huyện Vĩnh Lộc và xã Vĩnh Thành. Luật sư Thái đặt câu hỏi, tại sao trong quá trình xây, không ai phát hiện ra để tiến hành xử phạt và có biện pháp khắc phục?
"Để một công trình xây dựng trái phép hoành tráng như vậy, không thể nói cán bộ địa phương không thể không biết. Theo tôi được biết, ở Thanh Hóa, ngay từ cấp xã phường có Đội quy tắc, sau đó đến lực lượng quản lý trật tự xây dựng của huyện, thành phố. Chẳng lẽ thời gian dài không ai thấy biệt phủ được xây dựng?" - luật sư Thái nói.