Đại biểu Quốc hội (QH) tranh luận nảy lửa xung quanh dự án Luật Biểu tình; Hai vị đại biểu QH trình dự án luật gây xôn xao dư luận; QH tiếp tục “nợ” dân nhiều luật bức thiết... Đó là những điểm nổi bật tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII mà PV NTNN trao đổi với GS - TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên đại biểu QH các khóa XI, XII.
Đại biểu phải quen với sinh hoạt dân chủ
Xin bắt đầu bằng cuộc tranh luận nảy lửa trên diễn đàn QH xung quanh dự án Luật Biểu tình. Ông nghĩ sao về việc các đại biểu (ĐB) đều là đại diện cho nhân dân mà lại có những ý kiến hoàn toàn ngược nhau liên quan đến một quyền cơ bản của công dân như vậy?
- ĐBQH là đại diện cho nhân dân và những phát biểu của họ tại QH phải nói lên tiếng nói của người dân. Nhưng nhân dân là một tập hợp đa dạng, và hiểu được dân để nói đúng ý dân là điều không dễ. Khi ĐB nói những điều phù hợp với lợi ích của đông đảo nhân dân thì dù họ có khiêm tốn nói đó là ý kiến cá nhân, người dân vẫn đồng tình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phát biểu thảo luận tại một kỳ họp của Quốc hội khóa XII. |
Ngược lại, dù ĐB có tự khẳng định là mình nói thay cho đại bộ phận nhân dân mà nội dung ý kiến không phù hợp với lợi ích của người dân thì cũng không được người dân tán thành.
Trong trường hợp tranh luận về dự án Luật Biểu tình, tôi cho rằng ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) đã ngộ nhận ý kiến mình đại diện cho nhân dân. Ngay sau cuộc tranh luận tại QH, một trang mạng nổi tiếng đã tổ chức thăm dò và kết quả là có tới 98% ý kiến đồng ý ban hành Luật Biểu tình.
Từ Hiến pháp năm 1946, quyền này đã được nói tới dưới hình thức quyền hội họp. Đến Hiến pháp 1959, biểu tình đã được coi là quyền hiến định. Biểu tình là quyền cơ bản của con người và chính nhờ những cuộc biểu tình như thế, Nhà nước mới biết được lòng dân mà điều chỉnh hành vi của mình, thực hiện vai trò quản lý trật tự xã hội tốt hơn.
Như vậy, xét cho cùng, biểu tình là có lợi cho Nhà nước. Cũng may tại QH vừa rồi còn có ĐB Dương Trung Quốc nói lại, chứ nếu không, người dân sẽ nghĩ về QH rất khác. ĐB phải quen với sinh hoạt dân chủ, quen với việc người ta nói khác ý mình và quen với phản ứng của những người đã bầu ra mình, qua báo chí.
Trong chính ngày QH nước ta tiến hành chất vấn, cuộc họp QH của một nước châu Á đã biến thành cuộc ẩu đả khi các nghị sĩ bất đồng quan điểm về thông qua Hiệp định thương mại với Mỹ. Ông nhìn nhận đây là thước đo mức độ dân chủ hay văn hóa nghị trường?
- Theo tôi, điều quan trọng nhất là nghị viện có tranh luận dân chủ không, có thực quyền không. Còn nếu các nghị sĩ đánh nhau mà người dân chấp nhận, thậm chí thấy đó là do nghị sĩ quyết liệt bảo vệ quyền lợi cho dân thì cũng không sao.
Ở Việt Nam, người dân có tiêu chuẩn khác. Vừa rồi, có vị ĐB khi chất vấn nói Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời lòng vòng như thế thì ai làm Bộ trưởng cũng được, hoặc khóa XII có vị nói một Bộ trưởng không xứng đáng với vị trí của mình, nói vậy thô quá, khó có thể nhận được sự đồng tình.
Trong kỳ họp thứ 2 này, tôi rất ấn tượng với phát biểu tranh luận của ĐB Dương Trung Quốc và chất vấn của ĐB Lê Bộ Lĩnh. Tại phiên chất vấn Thủ tướng hôm 25.11, ĐB Lê Bộ Lĩnh đã đưa ra những câu hỏi đúng tầm chính khách, hỏi những điều mà người dân quan tâm và chờ đợi.
Quốc hội còn “treo” nhiều luật
Kể từ năm 1992, Quốc hội khóa nào cũng nỗ lực trong xây dựng luật, nhưng vì sao những dự án luật liên quan đến dân chủ dân quyền, như Luật Lập hội, Luật Biểu tình... QH lại nợ dân lâu đến như vậy, thưa ông?
- Chương trình xây dựng pháp luật hầu hết đều do Chính phủ đề xuất. Chính phủ có thể đã cố gắng cân đối các mặt nhưng có vẻ quy hoạch xây dựng pháp luật vẫn không hợp lý. Trước năm 2003, QH tập trung làm các luật liên quan đến kinh tế để đất nước đủ điều kiện gia nhập WTO. Tuy nhiên giai đoạn đó qua rồi.
Quả thực là QH nợ nhân dân quá lâu một số luật liên quan đến quyền tự do, dân chủ của dân. Cứ đưa vào chương trình hoặc đưa dự thảo ra rồi lại rút. Ví dụ, Luật Trưng cầu dân ý, luật về Hội đã được đưa vào chương trình hoặc trình ra QH thảo luận từ khóa XI nhưng sau đó lại được rút khỏi chương trình. Luật Báo chí sửa đổi cũng chưa biết bao giờ mới thông qua được. Có thể đó là những vấn đề “nhạy cảm”...
- Theo Luật Tổ chức QH và Nội quy kỳ họp QH, QH có thể ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nếu thấy cần thiết. Nhưng việc ra nghị quyết đến khóa XII mới thực sự bắt đầu và cũng chỉ mới có ở 2 kỳ họp. Tôi cho rằng QH nhất thiết phải ra nghị quyết để xác định trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của các cơ quan này, đồng thời yêu cầu những biện pháp buộc phải thực hiện, khuyến nghị những biện pháp cần xem xét. Bởi nếu không có nghị quyết, thì kết quả chất vấn của ĐB nhân dân sẽ phải phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Điều đó là không thể được.
Như thế nào là nhạy cảm, thưa ông?
- Đó là một thuật ngữ rất khó giải thích rõ ràng. “Nhân quyền”, “dân chủ” là nhạy cảm. “Biểu tình” nhạy cảm. Chống tham nhũng cũng thế...
Tại kỳ họp trước cũng như kỳ họp này, có một số luật, một số vấn đề, QH được "báo cáo riêng", thảo luận kín. Một dự án luật có nhất thiết phải họp kín, thưa ông?
- Không có quy định rõ trường hợp nào thì họp kín, trường hợp nào thì không. Thường thì trong trường hợp nghe báo cáo hoặc bàn luận những vấn đề bí mật quốc gia hay vấn đề đối ngoại, Quốc hội họp kín. Điều đó hợp lý vì những thảo luận tại QH sẽ không bị lộ hoặc không ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao.
Tuy nhiên, đối với những vấn đề thiết thân với đông đảo người dân, được người dân hết sức quan tâm - thì QH cần họp công khai để người dân được biết và cũng để những nước liên quan biết rõ quan điểm của nhân dân thông qua các nghị sĩ. Mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các dự án luật phải công khai.
Tại kỳ họp QH vừa rồi mới xuất hiện việc các ĐBQH đệ trình dự án luật như Luật Nhà văn và Luật Đảm bảo quyền riêng tư. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một biểu hiện của dân chủ, nhưng theo ông, vì sao cử tri và nhân dân lại phản ứng?
- Việc cá nhân đại biểu đề xuất dự án luật theo tôi biết thì không phải đây mới là lần đầu tiên. Còn việc đề xuất 2 dự án luật nói trên gây ra phản ứng tiêu cực từ người dân là vì ý kiến đề xuất của ĐB không xuất phát từ lợi ích chung hoặc còn rất hời hợt.
Chẳng hạn, nhiều người cho rằng ĐB đề xuất dự án Luật Đảm bảo quyền riêng tư xuất phát từ bức xúc cá nhân hơn là thấy sự cần thiết của dự án ấy đối với nhân dân. Còn đề xuất xây dựng Luật Nhà văn là một ý kiến hời hợt. Người đề xuất tuy là Hội viên Hội Nhà văn nhưng không hiểu rằng điều cần nhất đối với nhà văn không phải là luật hay tiền mà là tự do sáng tạo.
Bên cạnh đó, cả hai ĐB đều không biết rằng việc đảm bảo quyền riêng tư đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và những điều liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm... của nhà văn cũng như của những người sáng tạo nói chung đã được quy định trong Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ.
Xin cảm ơn ông!
Đào Tuấn (thực hiện)