Dân Việt

Rà soát hộ nghèo: Hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại...

28/11/2011 15:46 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là ý kiến của ông Ngô Trường Thi - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, kiêm Chánh Văn phòng điều phối Chương trình giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) khi trao đổi với NTNN về quy trình rà soát hộ nghèo.
img
Ông Ngô Trường Thi

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, một số địa phương đưa ra chỉ tiêu số lượng hộ nghèo trước khi rà soát. Điều này có được quy định trong hướng dẫn rà soát hộ nghèo không, thưa ông?

- Bất kỳ một hoạt động nào đều phải có mục tiêu hướng tới, Quốc hội cũng đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm giảm nghèo 2%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cần có giải pháp, nếu cứ bám vào đó để thực hiện có thể dẫn tới kiểu cấp “quota” trong rà soát hộ nghèo.

Khi đi kiểm tra, chúng tôi đã hỏi các xã liệu có việc mỗi năm giảm 4-5% số hộ nghèo mà không cần biết có biện pháp hỗ trợ không? Nhiều cán bộ xã cho biết, thực tế, để giảm được số hộ nghèo, hàng năm họ đều cho hộ nghèo đăng ký, sau đó phân công các đoàn thể giúp đỡ, theo dõi và hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kiến thức, đào tạo nghề... sau đó đánh giá thay đổi thu nhập thế nào mới là cơ sở để xem xét việc thoát nghèo.

Nếu nơi nào mục tiêu đề ra là 3 - 5% mà khống chế theo đúng chỉ tiêu đó khi rà soát là hoàn toàn sai. Bởi thực tế, còn nhiều yếu tố tác động tới hộ nghèo hay thoát nghèo. Trong văn bản hướng dẫn của bộ, tôi khẳng định không bao giờ đưa ra chỉ tiêu cụ thể là giảm bao nhiêu hộ nghèo trước khi rà soát.

Thực tế năm 2011 là năm có nhiều khó khăn khi Chính phủ phải cắt giảm đầu tư công, liệu có phát sinh thêm hộ nghèo mới không?

- Vừa qua, chúng tôi đã có báo cáo đánh giá gửi lên bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các chính sách giảm nghèo. Đúng là năm 2011 nước ta có nhiều khó khăn, trong đó có việc triển khai Nghị quyết 11 nhưng mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội vẫn được xác định là mục tiêu quan trọng. Chính phủ vẫn dành một khoản đầu tư rất lớn cho người nghèo, như: Hỗ trợ tiền điện khoảng 930 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người nghèo khoảng 765 tỷ đồng; chi 5.756 tỷ đồng mua BHYT cho người nghèo; 3.500 tỷ đồng miễn giảm học phí; 1.850 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; đầu tư cho 62 huyện nghèo cũng tăng gấp 2 lần năm 2010...

img
Việc cho không nhiều thứ khiến người nghèo có tâm lý ỷ lại (cấp phát thuốc miễn phí tại xã Sì Lở Lầu, Phong Thổ, Lai Châu).

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp năm nay cũng được đánh giá là một năm được mùa, được giá. Vì thế, mục tiêu đặt ra là giảm nghèo 2% tôi nghĩ có thể đạt được, nhưng nếu cộng cả CPI vào rà soát hộ nghèo, tôi dự đoán tỷ lệ giảm nghèo chỉ đạt khoảng 1,3-1,5%. Kết quả chính thức cần chờ tới tổng hợp rà soát hộ nghèo trên toàn quốc vào 30.11 tới.

Thực tế ở một số địa phương có tình trạng dòng họ nào đông sẽ dễ bình xét cho người trong họ được tiêu chuẩn hộ nghèo, theo ông yếu tố này có ảnh hưởng lớn tới kết quả rà soát hộ nghèo?

- Trong việc bình xét hộ nghèo, tôi thấy so với những năm trước đây, ảnh hưởng của dòng họ đã giảm nhiều bởi người dân biết được quyền và lợi ích của mình nên đấu tranh.

Mặt khác, thông tin tuyên truyền ngày càng nhanh, quy chế dân chủ cũng ngày càng thực hiện tốt hơn. Nhưng phải nhắc lại là vẫn còn, không thể hết được.

Theo tôi, để khắc phục vấn đề này, không thể sử dụng biện pháp hành chính được mà cần có vai trò của chính quyền địa phương.

Ngoài yếu tố dòng họ, theo ông còn có yếu tố nào ảnh hưởng tới bình xét hộ nghèo?

- Khi tập huấn cho địa phương, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại: “Đừng vì thành tích trên kết quả giảm nghèo mà làm ảnh hưởng tới kết quả rà soát, cái quan trọng nhất là đời sống của người dân, nhất là người nghèo được cải thiện”.

img Đừng vì thành tích trên kết quả giảm nghèo mà làm ảnh hưởng tới kết quả rà soát, cái quan trọng nhất là đời sống của người dân, nhất là người nghèo được cải thiện. img

Thực tế, có một số cán bộ xác định mục tiêu trong một nhiệm kỳ 5 năm phải làm được gì. Có thể làm được nhiều việc tốt nhưng chưa chắc được đánh giá, trong khi số liệu báo cáo lại biểu hiện tất cả. Vì thế, lương tâm người lãnh đạo nếu không vì lợi ích chung của người dân thì dù có hướng dẫn rà soát tốt đến đâu cũng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Họ sẽ “làm đẹp con số”, chạy theo “bệnh thành tích” gây ảnh hưởng tới kết quả rà soát hộ nghèo.

Việc một số hộ muốn xin vào nghèo sẽ có tác động như thế nào?

- Tôi cho rằng, đó là điều không tốt, một đất nước mà người dân chỉ muốn vào hộ nghèo, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước là đất nước không phát triển. Vì thế, trong thiết kế chính sách, cố gắng đừng để họ ỷ lại. Mặt khác, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Khi nào người dân nhận thức được vấn đề và tự thân vận động sẽ hạn chế được sự ỷ lại, nỗ lực giảm nghèo của chúng ta cũng sẽ đạt kết quả cao