Phó Đức Phương và Nguyễn Cường vào 5-6/6 sẽ gặp nhau trong đêm nhạc Tùng Dương tại Cung Văn hóa Hữu Nghị. Ảnh: Lê Lai.
THIỀN TỬU CA
Ông không ngại phiêu lưu, kể cả trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc. Vậy lúc bắt đầu công việc đó, ông có nghĩ đến chuyện phải hy sinh sự nghiệp sáng tác?
Tôi không kịp nghĩ đến chuyện đấy. Nhưng khi làm đương nhiên phải bỏ luôn sáng tác vì làm cái gì làm chết thôi, hăm hở giống như sáng tác. Cả đêm nghĩ ngợi. Thí dụ lấy kiến nghị lên gặp ông này ông kia, phải tính toán. Khi Trung tâm bước sang năm thứ hai, công việc chưa nhiều, tôi còn làm được tổng đạo diễn Paragames. Còn tất tật những lời mời sau đó đều xin lỗi và cám ơn. Nhớ nhất là những đoàn nghệ thuật ruột. Họ nhờ, mình toàn hẹn sang năm. Độ 4-5 lần khất “sang năm”, cuối cùng dường như họ phải ngậm ngùi, ông Phương bỏ trận rồi.
Mãi năm ngoái tôi mới viết Tửu ca. Cũng xuất sắc đấy, có người cho bài này là số một của tôi. Tất nhiên họ yêu quá nói vậy. Trong phim Thương nhớ ở ai, có một nhân vật hát bài đó. Lưu Trọng Ninh xin. “Thôi trút đi gánh nặng đường xa, ngược xuôi bôn ba/ Nay ta về nhà ta/ Đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe/ Nhà ta mênh mông, trăng tràn bốn bề/ Rượu đôi ba ly, uống cạn cái chữ tình/ Xoay đất trời về thuở bình minh/ Gạt đi âu lo, những đợi những chờ/ Giong cánh buồm cho thuyền lộng gió/ Còn chờ gì nữa, hãy tỉnh lại thôi…”. Không lâu đài cung điện resort nào mênh mông bằng ngôi nhà của ta, thực ra là của chúng ta. Ai cũng có một ngôi nhà bản thể.
Khi viết Tửu ca, chắc ông nghĩ đến chuyện giã từ công tác bản quyền?
Không, Tửu ca triết lý rộng hơn nhiều chứ. Giã từ khỏi sự mê lầm của cõi đời này, trở về bản thể. Thậm chí có thể gọi là Thiền tửu ca.
“CHẾT BÊN PHÍM ĐÀN”
Trở về “thuở bình minh”, sao ông lại chọn âm nhạc?
Không hiểu, chỉ biết là thích. Nhờ vào sự giáo dục toàn diện của chương trình phổ thông, năng khiếu âm nhạc được kích hoạt. Hình như từ lớp 7 đã sáng tác bài cho trường lớp. Chả cần đàn, làm chủ được ký xướng âm, nghĩ gì nó ra nốt như thế.
Năm nào ông mới đi học nhạc chính quy?
Rắc rối là tớ học ĐH Sư phạm Toán Lý. Cuối năm thứ hai, tớ thấy mình phải “chết bên phím đàn”. Tớ với Dương Thụ bàn nhau thế. Hai thằng cùng khóa, Dương Thụ học văn. Tớ nộp đơn xin thôi với mục đích sang Nhạc viện. Nhưng thời đó làm gì có ai được quyền như thế. Người ta “đánh” cho bỏ xừ. Mình chỉ vin vào chỗ không có học bổng, hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên xin nhà trường cho thôi để đi lao động kiếm sống. Nếu lộ ra muốn nhảy sang trường khác, đừng hòng! Nộp đơn từ năm thứ hai, đến giữa năm thứ ba, chỉ còn đi thực tập nữa là tốt nghiệp, thầy hiệu trưởng GS Phạm Huy Thông (từng được ghi danh trong phong trào Thơ Mới- PV) mới hỏi, tình hình thế nào. Để đến đoạn đấy chắc nghĩ mình khó lòng mà đi.
Thầy hiệu trưởng hỏi “anh đã nghĩ kỹ chưa?”. “Thưa thầy em nghĩ kỹ rồi, mong thầy và nhà trường thông cảm”. Ông nói một câu này mình thấy cũng được: “Thôi được rồi, nhà trường sẽ giúp anh, gửi anh lên nông trường Cửu Long (Lương Sơn, Hòa Bình) là chỗ kết nghĩa với trường. Lúc nào anh trở lại, trường sẵn sàng tiếp nhận”.
Từ khi thôi làm giám đốc, ông thấy thế nào?
Thảnh thơi hẳn. Trước đây 1-2 năm cũng có những lúc thấy oải: Vô lý quá, mình cứ phải è cổ đấu tranh với những chuyện lắm lúc nó lệch hết ra khỏi nghệ thuật. Năm nay mình nghỉ, anh em bạn bè cũng mừng. Mà mình cũng gọi là hoàn thành trách nhiệm. Trung tâm được 16 tuổi còn mình mất 18 năm (2 năm vận động) thành tâm thành ý cho sự nghiệp, hết lòng tận tụy và tự giác.
Mình cũng rất muốn rút lâu rồi. Ngặt cứ đào tạo cán bộ nào kha khá thì họ lại đi mất, mãi không ổn để mình rút. Tính mình cầu toàn, hay cả lo. Nhưng đến lúc rồi. Mỗi năm Trung tâm thu được 4 triệu đô thì không phải là quá tệ, đã vượt lên trên được 3 tổ chức cùng trong Liên minh CISAC là Philippines, Indonesia và một tổ chức của Thái Lan. Còn những khó khăn, vật vã trong công việc có bao giờ hết.
Tóm lại làm nghệ thuật vẫn sướng nhất, nghệ sĩ chỉ phải vượt lên chính mình thôi?
Đúng rồi. Nghệ thuật vẫn là cái mạch của mình thuở ban đầu. Bây giờ nhiệm vụ của mình là không được để mình nhàn rỗi, phải lấp đầy thời gian. Phải viết lách, sáng tạo, học hành gì đó. Rỗi rãi là hư người, ốm yếu, già đi.
NỂ TÙNG DƯƠNG
Trong những ca sĩ hát bài của ông, ông thích ai nhất?
Các ca sĩ hát bài mình mà tốt thì công chúng biết rồi. Ví dụ Thanh Lam hát Một thoáng hồ Tây, Không thể có thể. Mặc dù mình bị đau lòng vì một tình tiết quan trọng mình rất đắc ý thì Thanh Lam lại bỏ qua vì nó quá khó. Nhưng Thanh Lam có sức áp đảo nên hát không cần đúng nhạc của mình, công chúng đã đủ chết rồi.
Sau đó có ai khôi phục bản gốc?
Là Minh Thu. Đĩa Minh Thu hát Phó Đức Phương 10 bài chỉ có 1 bài mình không hài lòng lắm là Hồ trên núi. Cô ấy và mình đều quá mệt sau 4-5 tháng thu. Còn lại tất cả những bài trong đĩa đó đều rất chuẩn, chuẩn hơn hầu hết những ai từng hát.
Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân tuyệt vời nhưng mình cũng ấm ức vì đoạn đầu câu quan trọng Mỹ Linh lại bỏ đi, tự thay vào mấy cái luyến láy theo kiểu ca trù. Bài đó mình không định chứng tỏ nó là ca trù hay gì cả, chỉ biết nó là thế.
Tùng Dương cũng uổng phí một số tình tiết không làm đến tận cùng khi tự thu Bên dòng sông Cái. Tác phẩm của người cẩn thận như mình, chỉ cần chuẩn chỉ đáng coi là thành công chứ. Đôi khi chỉ một chi tiết làm khán giả ngơ ngẩn, thuyết phục. Tớ theo đường lối “chi tiết là vàng”. Không giống Nguyễn Cường cứ để ca sĩ muốn hát thế nào cũng được. Vì rất nhiều bài Siu Black, Y Moan đã làm cho Cường thắng điểm lớn. Tất nhiên một bài hát hay, không chỉ có đúng mà xong. Nó phải có cái hồn vía, sự lôi cuốn của ca sĩ.
Ông có định “ốp” Tùng Dương- người sắp hát một loại bài của ông?
Cũng không cần vì đều là những bài Dương hát cả rồi. Giá như bài mới toanh từ đầu thì buộc vẫn phải làm việc với mình. Tất nhiên với tài năng như Tùng Dương hay Thanh Lam, Mỹ Linh thì mình có ốp cũng tế nhị thôi.
Gần đây mình vào YouTube ngạc nhiên dường như bài gì của mình Tùng Dương cũng hát. Kể cả những bài gắn chặt với tên tuổi của một sao nào đó vậy mà khi Tùng Dương hát vẫn thấy có những điểm cậu ấy khai thác, phát hiện thêm và đi sâu hơn. Thành công của Tùng Dương càng đáng quý ở chỗ có được hoàn toàn từ cảm xúc, trí tuệ, bản lĩnh của một nghệ sĩ thực sự, không dựa vào cái may mắn sẵn giọng đẹp.
Đã đến lúc ông có thể thảnh thơi ngồi viết hồi ký?
Tớ không có nhu cầu và không chú ý đến việc gom góp, lưu trữ tư liệu về mình nói chung. Ngồi nhâm nhi chính mình nó chán. Đến đoạn đấy tớ cảm giác có lẽ cũng luẩn quẩn, hết hơi rồi hay sao. Nếu có đúc kết thì bằng bài hát đủ rồi. Mà ngay cả bài của tớ nhớ được cái gì thì nhớ, cái gì quên thì cứ để cho nó quên. Đại tài như ông Van Gogh mà đốt tranh như không, thì tác phẩm của mình là cái quái gì! Hoặc cũng như Trịnh Công Sơn, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” cuối cùng theo gió đi, buông hết trở về với bản thể.