Anh Đắc chăm sóc các cây rau giống bò khai tại vườn của gia đình. Ảnh: Tú Linh
Thuần hóa rau rừng thành rau nhà
Anh Đắc cho biết, rau bò khai không chỉ là loại rau chế biến được thành nhiều món ngon, có hương vị đặc trưng mà còn là một vị thuốc Đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về gan, thận và đường tiết niệu… Do vậy, bò khai là một loại rau đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng.
"Trước đây, người dân miền núi Định Hóa thường lên rừng hái rau bò khai về ăn hoặc đem ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, loại rau này ngày càng khan hiếm trên rừng nên giá bán rất cao. Có thời điểm, 1kg rau bò khai được người dân bán với giá gần 100.000 đồng", anh Đắc nói.
Anh Đắc kể: Ban đầu, anh trồng thử 50 gốc bò khai nhưng bị chết gần hết. Không nản chí, anh tiếp tục lấy giống về trồng nhưng tỷ lệ cây sống vẫn rất thấp. "Sau nhiều lần thất bại, tôi đã rút ra được kinh nghiệm, rau bò khai vốn ưa bóng mát nên khi lấy từ rừng về cần phải giâm ở nơi mát mẻ khoảng 3 tháng đến khi cây bén rễ, ra mầm non thì mới đem trồng, khi đó tỷ lệ cây sống sẽ đạt trên 90%. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tôi đã trồng xen kẽ dưới tán các loại cây ăn quả như: cam, bưởi... nhằm tạo bóng mát cho cây bò khai", anh Đắc tiết lộ.
Sau gần 5 năm tự mày mò nhân giống, đến nay, gia đình anh Đắc đã có gần 1ha rau bò khai cho thu hoạch. Mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được khoảng 20kg rau bò khai cung cấp cho thương lái đến tận nhà thu mua với giá trung bình 30.000 đồng/kg.
Rau bò khai không chỉ là loại rau đặc sản mà còn có công dụng hỗ trợ chưa một số bệnh gan, thận...
"Hái" trăm triệu đồng/năm từ rau đặc sản
"Riêng tiền bán rau bò khai mỗi ngày gia đình tôi cũng thu về khoảng 600.000 đồng. Bên cạnh đó, nắm bắt được nhu cầu của người dân về cây giống bò khai, từ cuối năm 2016, tôi đã đầu tư xây dựng vườn ươm với quy mô 1,5 vạn cây/lứa. Từ đó đến nay, gia đình anh bán ra thị trường trên 4,5 vạn cây giống bò khai, thu về trên 400 triệu đồng/năm", anh Đắc chia sẻ.
Nhờ trồng cây rau bò khai mà cuối năm 2016 mà gia đình anh Đắc đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên là hộ khá giả có thu nhập cao ở trong vùng."Trung bình mỗi năm trồng, kinh doanh giống rau bò khai gia đình tôi cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng", anh Đắc khoe.
Thời gian gần đây, nhiều nhà hàng, siêu thị tại TP.Thái Nguyên và các tỉnh lân cận đã tìm đến gia đình anh Đắc để đặt hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện tại sản lượng rau bò khai của gia đình anh Đắc chưa đủ để đáp ứng. Chính vì vậy, cuối năm 2017, anh Đắc đã vận động một số hộ dân trên địa bàn xã thành lập nên Hợp tác xã sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch Kim Phượng. Để làm được điều này, anh Đắc đã cam kết với Hội Nông dân xã sẽ cung ứng toàn bộ nguồn cây giống cho các hộ nông dân trên địa bàn xã có nhu cầu với giá bán chỉ bằng 80% giá thị trường.
Đồng thời, anh sẽ trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch rau bò khai cho người dân. Dự kiến, đến cuối năm nay, hợp tác xã sẽ cho thu hoạch và cung ứng ra thị trường khoảng 70-100kg rau bò khai/ngày, đủ đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các nhà hàng, siêu thị lớn.
Nhờ mô hình trồng và kinh doanh rau bò khai mà gia đình anh Đắc và nhiều hộ dân ở Kim Phương không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có thu nhập cao.
Bà Trần Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho hay: Trên địa bàn xã hiện có trên 20 hộ gia đình trồng cây rau bò khai với diện tích khoảng 3ha. Đây là loại cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao nên chúng tôi đang khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. "Tuy nhiên, để phát triển ổn định và có thị trường thuận lợi bà con cũng nên tìm hiểu rõ thị trường, đặc biệt là các lái buôn khi đến mua phải có hợp đồng, giao kèo rõ ràng để tránh rủi ro", bà Thắng khuyến cáo. |