Nhà đầu tư thường "đau đầu" trước động thái mua - bán cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp (Ảnh: IT)
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Công ty CP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NLG theo phương thức khớp lệnh từ ngày 7.5 đến 5.6.2018 nhằm mục đích đầu tư. Nếu giao dịch thành công, ông Quang sẽ nắm giữ gần 27,2 triệu cổ phần tại Nam Long, tương ứng tỷ lệ vốn là 14,41%.
“Gom hàng” để đầu tư hay... cứu giá?
Bên cạnh giao dịch của ông Quang, hàng loạt lãnh đạo DN này cũng đăng ký mua vào cổ phiếu với mục đích đầu tư. Chẳng hạn, ông Trần Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐQT NLG cũng đăng ký mua 250.000 cổ phiếu từ ngày 3.5 đến 1.6.2018 theo phương thức thỏa thuận với mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Nếu giao dịch thành công, ông Phong sẽ có gần 8,9 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 5,63% vốn.
Cũng trong giai đoạn 3.5 - 1.6.2018, ông Chu Chee Kwang, Tổng Giám đốc và ông Châu Quang Phúc, Giám đốc Tài chính của Nam Long cùng đăng ký mua 50.000 cổ phiếu NLG theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Kwang và ông Phúc sẽ nắm giữ lần lượt khoảng 370.000 và 64.000 cổ phần tại Nam Long, tương ứng tỷ lệ vốn là 0,24% và 0,04%.
Như vậy, tổng số cổ phần mà các lãnh đạo NLG thực hiện đăng ký mua là 1,35 triệu đơn vị. Với thị giá tại ngày 4.5 của cổ phiếu NLG là 35.000 đồng/CP thì số cổ phần trên tương ứng hơn 47,2 tỷ đồng. Đáng nói, động thái mua vào của các lãnh đạo này diễn ra từ thời điểm cổ phiếu NLG liên tục “đỏ sàn” 2 phiên liên tiếp. Mặc dù, tính từ đầu năm 2018 đến thời điểm lãnh đạo NLG đăng ký mua vào, cổ phiếu NLG tăng khoảng 28% nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn tăng khoảng 12% so với đầu năm.
Mới đây nhất, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE - HAG) cũng đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 8.5 đến 6.6.2018, theo phương thức khớp lệnh qua sàn. Nếu giao dịch thành công, bầu Đức sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 37,17%.
Căn cứ theo mức giá giao dịch của cổ phiếu HAG hiện nay, ước tính bầu Đức có thể chi khoảng 103 tỷ đồng cho động thái "cứu" cổ phiếu HAG.
Ngay sau khi có thông tin bầu Đức mua vào, cổ phiếu HAG lập tức tăng trần lên 5.150 đồng/CP, chính thức thoát đáy lịch sử (cổ phiếu HAG ngày 3.5 ở mức giá 4.820 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết cách đây 10 năm).
Cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư từ đầu năm đến nay là các động thái mua bán của lãnh đạo và cổ đông lớn Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT).
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23.2 đến 16.3.2018, bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên HĐQT SBT đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, bà Đặng Huỳnh Ức My nâng lượng sở hữu tại SBT từ hơn 27,52 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,94%) lên hơn 32,52 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 5,84%) và trở thành cổ đông lớn của DN này.
Ngay sau khi thông tin bà My mua thành công cổ phiếu SBT được công bố, mã chứng khoán này đã có 2 phiên tăng liên tiếp.
Sau đó, trước đà giảm của cổ phiếu SBT, lãnh đạo DN này tiếp tục công bố mua 83.552.800 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Thời gian giao dịch dự kiến từ 18.4 đến 17.5.2018 theo phương thức khớp lệnh. Dự kiến, SBT sẽ chi khoảng trên 1.500 tỷ đồng để mua số cổ phiếu quỹ này. Ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu SBT cũng đã tăng nhẹ và hiện giao dịch quanh mức giá 18.250 đồng/CP.
Hàng loạt lãnh đạo DN khác cũng đăng ký mua vào cổ phiếu, chẳng hạn: Tại Công ty CP ĐTXD và PTĐT Sông Đà (HNX: SDU), Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Anh đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu; tương tự, tại Công ty CP Xây dựng số 12 (HNX: V12) , Tổng Giám đốc Lê Phùng Hòa đã mua thành công 1,13 triệu cổ phiếu, nâng mức sở hữu từ 0.43% lên 19.85%...
Nhà đầu tư đau đầu... “đoán tín hiệu”
Thực tế, câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau gom cổ phiếu không phải là hiếm, nhất là thời điểm trước mùa báo cáo tài chính quý. Thế nên, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lướt sóng thường đau đầu đoán tín hiệu mua bán này. Theo LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, việc mua vào cổ phiếu của lãnh đạo DN thông thường có thể xuất phát từ việc họ nhìn thấy triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, nên muốn gia tăng sở hữu. Nhưng việc mua nhằm mục đích “cứu giá” cũng không phải là chuyện hiếm trên sàn chứng khoán.
“Động thái công bố mua vào của lãnh đạo, cổ đông lớn thường khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu bởi họ cho rằng lãnh đạo DN chính là những người nắm rõ nhất tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít nhà đầu tư có thể phải “ôm hận” nếu trót đu theo những động thái mua - bán của lãnh đạo, cổ đông lớn khi gom vào cổ phiếu ở mức đỉnh để rồi chứng kiến đà rơi không phanh của cổ phiếu sau đó khi hiệu ứng thông tin không còn”, ông Tín chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Long, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, không nên đu theo những động thái mua - bán của lãnh đạo mà nên căn cứ vào những thông tin tài chính, giá trị DN và cả tiềm năng tăng trưởng của ngành. Chỉ xem những chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp như một kênh tham khảo thêm vì trên thực tế, lãnh đạo DN nào chẳng hay bày tỏ “lấy làm buồn, làm tiếc” vì cổ phiếu của DN mình bị định giá thấp hơn so với giá trị sổ sách và thường sẽ báo cáo tranh thủ mua vào khi thị giá cổ phiếu giảm sâu để gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
“Tôi nhớ cách đây không lâu, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) là ông Nguyễn Trung Chính đăng ký mua vào 6,8 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 26.1 tới 12.2.2018 để... đầu tư. Tuy nhiên, sau đó ông Chính báo cáo không mua được nhưng ở chiều ngược lại, một cổ đông khác của CMG là Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Linh đã bán thành công 6,1 triệu cổ phiếu CMG (Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 25.1 tới 12.2). Nên nhớ, ông Nguyễn Trung Chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Đầu tư Mỹ Linh nên động thái này của ông Chính khiến nhiều người bị... hớ hàng nếu không tìm hiểu kỹ”, anh Long kể.