Bằng chứng là cả nước đã có trên 90.000 trẻ mắc bệnh, trong đó có 153 trẻ tử vong, và những con số đó chưa dừng lại.
Lạ một điều là ngành y tế lúng túng, loay hoay trước các biện pháp kiểm soát dịch bệnh suốt nhiều tháng trời nhưng vẫn cứ loay hoay. Ngay từ khi có dịch tay chân miệng rải rác hồi đầu năm, ngành y tế lại mắc bệnh chủ quan nên không tổ chức ngăn chặn dịch hiệu quả. Đến khi dịch bùng phát khắp nơi, số trẻ mắc bệnh và tử vong tăng từng ngày thì mới hoảng hốt lo dập dịch. Tuy nhiên, dập bằng cách nào để tắt được dịch thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Trẻ em chết vì bệnh tay chân miệng quá nhiều nhưng điều đó vẫn chưa đủ để cho các địa phương có tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao công bố dịch. Cho dù được khuyến cáo, nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn khẳng định dịch vẫn trong tầm kiểm soát.
Tương tự như vậy, nhiều địa phương khăng khăng “không công bố dịch” mà lý do có lẽ chỉ là sợ mang tiếng yếu kém, sợ mất thành tích. Trước cơn sốt sùng sục của dịch bệnh, các địa phương luôn tranh thủ báo cáo thành tích về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, còn trả lời về con số bệnh nhân tăng chỉ đơn giản là “nguyên nhân khách quan”.
Hậu quả là bệnh nhi chật cứng bệnh viện, có nơi nằm chen chúc 3 – 5 trẻ một giường. Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phải nhận 61% bệnh nhân tay chân miệng được chuyển từ các tỉnh lân cận về điều trị.
Vùng nông thôn là nơi có nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nhất. Nguyên nhân là có quá nhiều nơi trên địa bàn nông thôn là những khoảng trống về tuyên truyền, người dân hoàn toàn không biết gì về bệnh và tất nhiên cũng không biết cách phòng bệnh.
Người dân quê đa số nghèo, nơi ăn ở, vệ sinh đều dưới chuẩn cho nên bệnh dễ phát sinh và lây lan. Trẻ em không được chăm sóc chu đáo, thiếu điều kiện sinh hoạt như nước sạch, xà phòng cũng như kiến thức vệ sinh cá nhân. Ngay cả người lớn cũng chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân thì làm sao có thể giáo dục cũng như chăm sóc con cái.
TS Nguyễn Văn Khải -người đưa ra phương pháp chữa bệnh tay chân miệng bằng dung dịch anolyte bức xúc: “Một cháu bé mất tích thì tất cả đều quan tâm, báo chí khắp nơi đưa tin. Vậy tại sao 143 đứa trẻ chết lại không đáng để nói?”. Nay đã có thêm 10 trẻ nữa tử vong vì căn bệnh này. Vậy mà ngành y tế vẫn cứ loay hoay và lúng túng.
Chân Tâm