Dân Việt

Điện khí hóa nông thôn: EVN đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên lợi ích DN

Việt Hà 07/05/2018 06:11 GMT+7
EVN đã đưa điện tới 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (2008 - 2017). Lưới điện không ngừng được cải tạo và phát triển đồng bộ, đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân khu vực nông thôn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong 10 năm qua, đồng thời xác định công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện các chương trình xây dựng mới và cải tạo nâng cấp lưới điện trung hạ thế nông thôn nhằm mở rộng diện cấp điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn.

img

Năm 2017, EVN đã đưa điện tới 98,83% số hộ dân nông thôn trên cả nước. Thành Trung (EVN)

Sau 1 thập niên, tỷ lệ số xã có điện từ 97,0%, số hộ dân có điện 93,4% năm 2007 đã tăng lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện năm 2017. Ngành điện đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

Tập đoàn đã huy động gần 2 tỷ USD từ sự hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... Đây là nguồn vốn chủ yếu cho phát triển, cải tạo, nâng cấp mở rộng lưới điện nông thôn tại Việt Nam trong giai đoạn này, phục vụ gần 2 triệu hộ dân nông thôn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã sử dụng hiệu quả vốn ngân sách và nguồn vốn doanh nghiệp, chú trọng thực hiện nhiều dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới như các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang với tổng kinh phí hơn 5.500 tỷ đồng, cấp điện lưới quốc gia cho 369 xã và gần 400.000 hộ dân nông thôn chưa có điện.

EVN còn đặc biệt quan tâm tập trung dành nguồn vốn đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo.

Cụ thể, EVN đã đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang), Quan Lạn, Minh Châu, Cái Chiên, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (tỉnh Quảng Ninh), xã đảo Thạnh An (TP.Hồ Chí Minh)... với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 140.000 hộ dân trên các đảo.

Mở rộng tiếp nhận lưới điện nông thôn

img

Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương. Qua đó, người dân được mua điện trực tiếp từ EVN theo giá bán điện do Chính phủ quy định, với nguồn điện chất lượng, an toàn, ổn định.

Đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán điện trực tiếp của gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

Song song với việc tiếp nhận quản lý bán điện trên đất liền, EVN đã tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo (còn lại huyện đảo Hoàng Sa), đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24 giờ đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.

Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân. EVN đã đặt lợi ích dân sinh, đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên lợi ích doanh nghiệp.

Sau 1 thập niên, tỷ lệ số xã có điện từ 97,0%, số hộ dân có điện 93,4% năm 2007 đã tăng lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện năm 2017. Ngành điện đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

EVN cũng đặt mục tiêu 100% số xã và hầu hết số hộ dân nông thôn có điện vào năm 2020, trong đó 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện.