Tôi và chồng là bạn từ thời "thanh mai trúc mã" với nhau, có tình bạn trong sáng từ hồi còn bé, chơi thân với nhau lúc cả hai còn học trung học. Lên đến học chuyên nghiệp thì chúng tôi chính thức bước vào giai đoạn yêu đương và kết hôn ngay sau cả hai ra trường không lâu.
Hồi còn yêu anh, hàng xóm có lần hỏi tôi: "Yêu nhau vậy nhưng có đủ can đảm về làm dâu nhà đó không?", với đầy ẩn ý. Nhưng thời điểm đó tôi còn trẻ, tình cảm nhiệt huyết và nghĩ đơn giản "yêu nhau mấy núi cũng trèo." Khi cưới nhau về rồi, đúng là "trèo" thật, nhưng là cô em bên chồng "trèo" lên đầu lên cổ tôi, khiến có thời điểm tôi suýt bị trầm cảm và sống bế tắc như một cái bóng.
Tôi suýt phát điên vì em chồng (Ảnh minh họa IT)
Khi chúng tôi mới cưới, vì anh là con trai duy nhất trong gia đình, bố chồng lại đi làm ăn xa nên mẹ chồng muốn chúng tôi ăn chung cho tình cảm. Tôi bàn với chồng cuối tháng đó gửi tiền ăn cho mẹ, vì mới về mà đã sòng phẳng chuyện tiền nong, sợ mẹ chồng e ngại. Ai dè chưa đến nửa tháng, em chồng đã nhắn tin bóng gió xa xôi: "Mẹ không nói với anh nhưng có than phiền với em là mẹ hết tiền. Anh chị đóng tiền ăn cho mẹ đi. Mẹ không nuôi không ai được".
Tôi chết lặng vì câu nói của em gái chồng. Phải chăng vì tôi quá cả nể chuyện tiền nong với mẹ ngay từ ban đầu nên mới tự đặt mình vào tình thế trớ trêu như vậy. Câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" có lẽ thấm thía với tình cảnh của tôi thời điểm bấy giờ?.
Xét về hoàn cảnh kinh tế, gia đình anh thuộc dạng khá giả, có của ăn của để. Nhưng gia đình tôi cũng không đến mức nghèo túng để em chồng khinh mình. Nhưng với tính cách khó chịu của em chồng, tôi biết sẽ báo hiệu những giông bão sắp tới trong cuộc đời về nhà anh làm dâu của mình, với chiến tuyến "giặc bên Ngô" không dễ gì đối chọi.
Thời điểm đó tôi vừa đi làm Nhà nước cho ổn định, nhưng muốn có thêm thu nhập để "dễ thở" và trang trải thêm cuộc sống, nên có mở thêm một shop thời trang. Hằng ngày tôi vừa bầu bí vất vả, vừa đi làm 8 tiếng, cuối ngày sau khi tan sở lại phải tạt qua cửa hàng thu vốn, kiểm hàng, cuối tuần ra Hà Nội đánh hàng về để cửa hàng có thể duy trì ở mức ổn định. Tôi vẫn cố gắng chu toàn việc cơm nước buổi tối cho gia đình.
Nhưng hôm nào tôi thu xếp chậm hơn và về muộn là em chồng đợi tôi với ánh mắt hầm hè. Bữa ăn nhìn nồi cơm có vẻ không dôi dư, mẹ chồng có hỏi con gái, sao không nấu thoải mái cho mọi người đỡ phải nhìn nhau nhường nhịn. Em gái chồng đáp tỉnh bơ: "Con chỉ nấu đủ cho nhà mình ăn. Ai muốn được ăn thoải mái thì thu xếp về sớm mà lo lấy". Tôi đang ăn mà cơm như nghẹn đắng ở cổ. Nhưng nghĩ thương chồng, muốn cố gắng để con mình sinh ra có đầy đủ ông bà và bố mẹ nên tôi gắng nín nhịn.
Khi tôi sinh bé được hơn sáu tháng thì bố đẻ tôi bị tai nạn "thập tử nhất sinh" và bác sĩ chỉ định nằm bệnh viện theo dõi sát sao. Các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau túc trực để hút đờm ở cổ của cụ liên tục, nếu chủ quan sẽ dẫn đến bệnh nhân bị sặc đờm nguy hiểm đến tính mạng. Anh trai tôi thời điểm đó công tác ở tỉnh xa, anh mới cưới vợ và chị dâu mang thai nhiều lần dọa sẩy nên phải nằm bất động. Tình cảnh gia đình khiến tôi phải lui tới túc trực ở bệnh viện thay phiên mẹ chăm bố nhiều lần trong tuần.
Dù không muốn dính dáng nhưng em chồng cứ bám theo tôi gây gổ (Ảnh minh họa IT)
Sáng sớm tôi đã đi ra khỏi nhà, sau thời gian công sở là tôi lao vào bệnh viện thay ca cho mẹ về nhà giặt giũ cơm nước và dọn dẹp nhà cửa. Lắm hôm tối mịt tôi mới về đến nhà, lúc đó con đã ngủ. Thời điểm đó tôi kiệt quệ về thể trạng và tinh thần. Em gái chồng nhiều lần nhắn tin: "Chị về mà trông con đi, kẻo con lâu ngày không nhìn thấy mặt mẹ thì chẳng biết mẹ mình là ai".
Áp lực công việc, gia đình, sức khỏe của bố cộng với sự nanh nọc của em chồng khiến tôi đang từ 60 kg, béo tốt hồng hào xuống còn 45 kg, nhiều lần bỏ bữa và đêm mất ngủ triền miên. Sau đó ít lâu bố chồng từ nước ngoài gửi tiền về nên mẹ chồng đứng ra mua một chiếc ô tô đời mới, tên chủ sở hữu là chồng tôi nhưng mẹ ra điều kiện: "Cho vợ chồng tôi sử dụng để chiếc xe phát huy tác dụng, nhưng xăng phải tự đổ, tự đóng phí bảo hiểm và mỗi lần sử dụng, chúng tôi phải...được sự đồng ý của mẹ".
Nghe điều kiện tôi đã không muốn dây dưa đến chiếc xe đó rồi, nhưng nể chồng, và cũng nghĩ cho mẹ chồng, giờ xe mua rồi nếu ngoài chúng tôi ra không ai sử dụng (cả gia đình chỉ có tôi và anh có bằng lái), thì chiếc xe cũng xuống nhanh chóng. Tôi bàn với chồng và cả hai thống nhất, chỉ sử dụng xe khi cả đại gia đình có việc chung. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đi xe máy đi làm hằng ngày, tuyệt nhiên không tơ hào đến tài sản đó.
Nào ngờ em chồng biết chuyện, lại hay tin mẹ đứng tên chiếc xe cho chồng tôi, nên lồng lộn chửi xéo anh trai và chị dâu, còn nhắn tin nhục mạ: "Chị thèm xe ô tô của nhà tôi lắm phải không? Chiếc xe là mồ hôi công sức bố tôi làm việc vất vả ở nước ngoài gửi tiền về mua được. Tôi cấm chị không được bước chân lên xe nhà tôi một lần nào nữa".
Đến lúc đó, sức chịu đựng có giới hạn, tôi nhắn lại "xin em hãy tôn trọng chị. Chị không hề chủ động sử dụng chiếc xe đó vào mục đích cá nhân. Vì mẹ nói khó nên anh chị vận hành chiếc xe đó để xe được hoạt động đều mà phát huy tác dụng. Nếu xe mua về mà để không thì mẹ cũng không muốn". Ngay lập tức cô em đáp trả: "Nếu chị không muốn thì chẳng ai ép được chị. Chắc mẹ đẻ xúi giục chị lấn dần dần rồi thôn tính cả gia đình chúng tôi về mặt kinh tế".
Tính tôi từ trước đến giờ rất nhường nhịn, nhưng để người khác đụng đến gia đình mình, mẹ đẻ mình, tôi không thể can tâm thêm nữa, mới đáp lại: "Cả đời mẹ chị không tham thứ gì vốn không phải là của mình. Mẹ chị, và cả chị đều có lòng tự trọng của mình, không phải như người ta, phải cặp kè với đàn ông có vợ để có được xe tay ga xịn, điện thoại đắt tiền".
Không biết khi chồng tôi đi làm về, em chồng có phàn nàn và hai bên xảy ra cự cãi điều gì nhưng chồng tôi có đánh em chồng một cái. Thế là nó lu loa gọi điện cho mẹ chồng, rằng bà phải về ngay nếu không anh đánh chết con. Mẹ chồng tức tốc gọi taxi về, họp nội bộ gia đình. Trước mặt mẹ, em chồng lu loa, mồm năm miệng mười, ăn không nói có nhiều chuyện rất chướng tai. Tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng đem điện thoại và loạt tin nhắn hai bên chát qua lại cho mẹ xem. Mẹ nói mắt mẹ mờ, không đọc được tin nhắn, nhờ tôi đọc hộ.
Đọc đến đoạn tôi nói lại em chồng, thì bất ngờ em tiến lại, tát tôi một cú trời giáng, năm đầu ngón tay hằn in trên má. Mẹ chồng biết tính con gái đành hanh lộng quyền, xúm vào khuyên can, bị nó xô cho ngã bổ chửng. Cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên được cú tát trời giáng của em chồng. Tôi đứng dậy, run rẩy nói với bà: "Đến nước này thì con xin ra ở riêng, anh T. có đi cùng mẹ con con hay không là quyết định của anh ấy, con không ép. Nếu anh ấy ở lại, con cũng hết sức tôn trọng quyết định này. Con xác định sẽ làm mẹ đơn thân nếu con và chồng không thỏa thuận được vấn đề ra ở riêng".
Trước giờ khi xảy ra mâu thuẫn với em chồng, tôi đã ít nhất hai lần xin ra ở riêng nhưng mẹ chồng phản đối vì: "Ở gần nhau tình cảm khăng khít, còn không giải quyết được. Chuyển đi rồi, xa mặt cách lòng, lúc đó có cách nào mà cải thiện được mối quan hệ". Nhưng lần này tình hình quá căng thẳng, bà phải xuống nước để tôi dọn đi. Tôi dọn về nhà mẹ đẻ, mẹ cất cho tôi mảnh đất ngay bên cạnh. Chồng tôi cũng theo vợ con mà về ở cùng.
Hai năm sau do làm việc chăm chỉ, chúng tôi đã trả hết số nợ tiền xây nhà, còn mua được một chiếc ô tô - chiếc xe tự mình chính chủ, và mỗi lần muốn đi đâu xa là cả gia đình chủ động, không phải xin phép ai nữa.
Em chồng cũng mới lập gia đình được hai tuần. Nếu em thay đổi được tính cách, tôi cũng sẽ mừng cho em. Còn nếu em vẫn giữ thói đành hanh đỏ mỏ, không biết hạnh phúc gia đình sẽ duy trì được bao lâu. Cuộc đời đủ dài để trải nghiệm, tôi chờ em viết tiếp những đoạn hay ho cho cuộc đời của chính em sau này.
Bạn đọc có tình huống xin gửi về hộp thư: hopthamkin@gmail.com, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia tình dục học sẽ chia sẻ và tư vấn cho các bạn. |
Em chồng to nhỏ với mẹ chồng tôi: Chị ấy chẳng làm ăn gì, khéo lại theo trai.