Vị ngọt đầu mùa
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN mới đây, ông Cao Văn Sáng ở thôn 12A, xã EaKly, huyện Krông Păk (tỉnh Đăk Lăk) phấn khởi cho biết, do thu hoạch sớm hơn vải thiều miền Bắc khoảng 1 tháng nên vải Tây Nguyên bán rất được giá, đầu mùa lên đến 50.000 đồng/kg, còn hiện tại đạt 35.000 – 40.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 1,5 tấn/sào (1.000m2), nhà nông thu 400 – 500 triệu đồng/ha vải, một con số khá hấp dẫn so với nhiều loại cây trồng khác.
Nhiều nông dân huyện Ea Kar có nguồn thu khá nhờ trồng vải. Ảnh: T.L
Ông Sáng là một trong những người có công đưa cây vải lai về đất EaKly, khi từ những năm 1990 ông đã nghiên cứu, mang giống vải từ ngoài Bắc vào trồng ở địa phương. Sau nhiều thất bại, cuối cùng ông cũng gặt hái được thành công. Hiện, trong vườn nhà ông còn cây vải trồng từ năm 1994, được coi là “cây vải tổ” ở đất này.
Ông Sáng cho biết, trước đây, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Đăk Lăk đã đưa giống vải thiều ngoài Bắc vào trồng thử nhưng không thành công, cây không ra hoa đậu quả. Sau đó, cây vải lai được lựa chọn và tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của đất Tây Nguyên. Theo ông Sáng, vải lai khỏe hơn nên sống được với khí hậu nóng vùng này.
“So với vải thiều, cây vải lai không thua kém về chất lượng, mẫu mã vì quả có vị ngọt, màu sắc quả đẹp nên được khách hàng rất ưa chuộng” - ông Sáng nói.
Cho đến thời điểm này, diện tích trồng vải thiều ở xã EaKly đã đạt vài ha, riêng thôn 12A có đến 80% số hộ chuyên canh loại cây này. Trong đó nhà ông Sáng trồng được gần 200 cây, sản lượng niên vụ này ước đạt 6 – 7 tấn, giúp gia đình ông có khoản thu khá tốt.
Kỹ thuật chăm sóc không đơn giản
Nhưng dù vậy, theo ông Sáng, trồng được vải ở Tây Nguyên không hề đơn giản vì thời tiết thay đổi thất thường, sâu bệnh diễn biến phức tạp. Cây vải thường hay mắc các bệnh thán thư, sương mai, sâu đục cuống, sâu đục quả... “Chăm sóc vải để đảm bảo ra hoa, đậu quả và cho năng suất cao ở ngoài Bắc đã khó, trong Tây Nguyên còn khó hơn. Vì vậy, phải đặc biệt chú ý đến mọi diễn biến của thời tiết để chăm sóc vải cho phù hợp” - ông Sáng nói.
Ea Kar cũng là huyện có diện tích vải khá lớn ở Đăk Lăk với 156ha, đến nay đã có 10/16 xã, thị trấn trên địa bàn trồng vải. Theo nhiều nông dân, vải là loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Quả vải Tây Nguyên thơm ngon, cơm dày, chín sớm hơn so với vải miền Bắc khoảng hơn 1 tháng nên dễ bán, giá thành cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Người trồng vải chỉ cần chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh tốt là cây sẽ cho năng suất cao. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại trong thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đang tiến hành chiết, ghép cành để bán giống cây ra ngoài thị trường.
Hiện, toàn tỉnh Đăk Lăk có hơn 300ha vải thiều, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, M’ Đrăk, thị xã Buôn Hồ… Riêng huyện Ea Kar đã có 156ha. Do được thu hoạch sớm hơn vải thiều miền Bắc một tháng nên giá vải Tây Nguyên khá cao, từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. |
Ông Sáng tiết lộ, hiện nay, thấy lợi nhuận từ vải tương đối lớn nên nhiều bà con trong vùng đang rục rịch chuyển sang trồng vải, giá cành vải giống do bà con chiết thường từ 30.000 – 35.000 đồng/cành.
Những năm gần đây, cây vải thiều được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh có hơn 300ha vải thiều, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, M’ Đrăk, thị xã Buôn Hồ…
Tuy nhiên, hiện nay, việc trồng vải lai ở EaKly và nhiều vùng trên địa bàn Tây Nguyên vẫn chủ yếu do nông dân phát triển tự phát, chưa có sự định hướng hay hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ông Sáng và các hộ dân cũng muốn thành lập tổ hợp tác giúp nhau cùng phát triển nhưng do trình độ canh tác không đồng đều, sản lượng không quá lớn nên ý định này chưa thành. Điều chính quyền và ngành chức năng huyện Krông Păk cần làm lúc này là đề nghị các nhà khoa học cung cấp quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên, đồng thời nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vải EaKly.
Cho đến thời điểm này, vải vẫn là cây trồng khá mới mẻ ở Tây Nguyên, kỹ thuật chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, đúng cách thì cây mới ra hoa, đậu quả, cho năng suất theo ý muốn. Nhưng hiện mọi quy trình kỹ thuật liên quan đến cây vải ở Tây Nguyên đều do bà con tự học hỏi lẫn nhau chứ chưa nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nào từ phía cơ quan chức năng. Chính vì vậy, bà con nông dân cần bình tĩnh, không nên nôn nóng mở rộng diện tích để tránh những rủi ro không đáng có.