Cô giáo liên tục đòi 100.000 đồng tiền phạt dẫn đến cuộc "khẩu chiến" với học viên (ảnh cắt từ clip)
Gần đây, dư luận bất bình trước cách hành xử của nữ giáo viên dạy ở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội có hành động mắng chửi học viên như ngoài chợ.
Có ý kiến cho rằng, hầu hết môi trường giáo dục ở các Trung tâm tiếng Anh chỉ ràng buộc nhau bởi đồng tiền. Đây là nơi cung cấp dịch vụ (bán-mua) nên ít tồn tại truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “lễ phép với thầy cô” hay ít có thầy cô coi học sinh như con để giáo dục.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, chính những người bị đồng tiền chi phối, tìm cách “xoay” tiền của học sinh đã ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo. Cách cư xử của nữ giáo viên tại cơ sở tiếng Anh gây xôn xao dư luận như “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nhiều người hiểu sai về hai chữ “nhà giáo”.
Trao đổi với PV, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, sự việc nữ giáo viên chửi học viên phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề giáo.
“Cô giáo này không làm thầy được, không phải cứ dạy mấy chữ Tiếng Anh rồi dùng những ngôn từ chợ búa mà gọi là thầy. Đã là thầy thì phải biết cách dạy người trước rồi mới dạy chuyên môn. Nếu không biết cách dạy người thì chỉ làm hại xã hội mà thôi”, PGS. Trần Xuân Nhĩ nói.
PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy chỉ đúng đối với những người dạy đúng, dạy bài bản. Chỉ cần những người có đạo đức, tư cách được đào tạo bài bản, có tư cách năng lực thì đều được gọi là thầy.
“Mặc dù sự việc này là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng không thể vơ đũa cả nắm, kết luận ngành giáo dục, đạo đức nhà giáo xuống cấp”, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, những người đứng lớp chui như ở trung tâm Tiếng Anh của cô giáo chửi học viên gây xôn xao dư luận không chính danh là giáo viên.
“Tôi cho rằng, cô giáo này không phải là cô giáo mà họ chỉ là thợ dạy. Cô giáo phải là những người chịu trách nhiệm đào tạo về kiến thức, kĩ năng và đạo đức học sinh. Thợ dạy là người biết một cái gì đó và chỉ quan tâm đến mục tiêu đó, có thể là tiền, kiến thức, kĩ năng nhưng không bao giờ quan tâm đến nhân cách. Nếu cứ gọi họ là cô giáo thì sẽ nhiều người lại bức xúc với ngành giáo dục. Trong khi đó, cũng là giáo viên ở trung tâm tiếng Anh nhưng phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp, nghiệp vụ, có nhiệm vụ truyền bá kiến thức và nhân cách thì vẫn được gọi là nhà giáo.”, TS.Lâm nói.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Tùng Lâm đề xuất đình chỉ vĩnh viễn những cơ sở Tiếng Anh dạy chui, xử lý nghiêm người đứng đầu để làm gương cho người khác.
“Tôi thấy công tác quản lý còn lỏng lẻo, không giám sát, vẫn để tồn tại trung tâm Tiếng Anh chui như vậy”, TS.Lâm nói.
Clip: Màn "đấu khẩu" giữa nữ giáo viên và nam học viên
Ở góc độ nhà quản lí, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên – chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm thì xử lý vi phạm hành chính. Lớp học đó không được gọi là trung tâm vì chưa có giấy phép hoạt động. Cơ sở này chỉ là cơ sở đào tạo “chui” cho nên khi xử lý hành chính thì sẽ dừng hoạt động của cơ sở đó ngay.
Cũng theo ông Minh, tất cả những trung tâm khi thành lập và được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động thì giáo viên trong Trung tâm đó phải đảm bảo theo đúng quy định hiện hành về đội ngũ giáo viên. Như vậy, đội ngũ giáo viên phải có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức theo đúng quy định. Vì đã thực hiện chương trình dạy học rồi thì phải tuân thủ theo quy định của loại hình giáo dục.
Ông Minh cũng khẳng định, cách xử sự của giáo viên tiếng Anh kia là vi phạm quy định hiện hành. Việc phạt tiền của giáo viên này cũng không có trong quy định.
“Mỗi buổi học khoảng 1,5 tiếng nhưng thời gian cô giáo chửi học viên chiếm tới 2/3“, một học viên cho biết.