Dân Việt

Đây là cách Iran có thể trả đũa nếu Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân

Duy Anh 08/05/2018 18:55 GMT+7
Thông qua các tổ chức do Iran hậu thuẫn, Tehran có nhiều lựa chọn gây thiệt hại cho Washington và các đồng minh nếu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Năm 2015, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran tìm được lối ra khi nước này cùng nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết Kế hoạch hành động toàn diện chung, theo đó dỡ bỏ cấm vận quốc tế đổi lấy việc Tehran đình chỉ chương trình hạt nhân.

Nay, thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng ngày 8.5. Trong trường hợp Mỹ quay lưng với thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran có nhiều quân bài để trả đũa nhằm vào lợi ích của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông.

Quân bài Iraq

img

Các tay súng của lực lượng PMF do Iran bảo trợ ở Iraq. Ảnh: AFP.

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS phát triển mạnh và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ Iraq năm 2014, Iran đã chìa tay cung cấp hỗ trợ lớn cho chính quyền Baghdad. Từ đó tới nay, Tehran cung cấp vũ khí và đào tạo hàng nghìn chiến binh theo dòng hồi giáo Shia tại Iraq thuộc tổ chức Lực lượng Cơ động Bình dân (PMF). PMF hiện đã phát triển thành một lực lượng chính trị lớn tại Iraq. 

Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran được cho là có thể sẽ kích động các phe phái cực đoan của PMF thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống Mỹ. Thậm chí, các hành động quân sự nhắm vào lực lượng Mỹ tại Iraq hoàn toàn có thể xảy ra. Những vụ tấn công bằng rocket, đánh bom, gài mìn trên các tuyến giao thông, sẽ khó bị quy trách nhiệm cho một tổ chức quân sự mà từ đó có thể đổ lỗi cho Iran.

Các nhóm vũ trang tại Syria

Iran và các tổ chức do nước này hậu thuẫn như Hezbollah tham chiến tại Syria từ năm 2012, sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad. Một báo cáo của chính phủ Israel cho rằng Tehran đã vũ trang và đào tạo cho khoảng 80.000 tay súng Shia trên chiến trường Syria.

Hiện diện của Iran tại Syria đã lần đầu tiên đẩy Tehran và Tel Aviv vào thế đối đầu trực diện, với hàng loạt các xung đột quân sự vài tháng qua. Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, các chiến binh Shia do Iran bảo trợ sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào biên giới phía bắc của Israel.  

Các lực lượng do Iran hậu thuẫn và kiểm soát cũng có thể gây rắc rối cho 2.000 binh sĩ Mỹ, hiện đồn trú tại miền Bắc của Syria để hỗ trợ cho lực lượng người Kurd. Trước đó, một cố vấn cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố Tehran hy vọng chính quyền Assad và các đồng minh sẽ sớm "đá" Mỹ ra khỏi vùng lãnh thổ phía Đông Syria.

Nguy cơ chiến tranh từ Lebanon

Hôm 7/5, kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy Hezbollah và các đồng minh Shia đã giành được hơn 50% số ghế tại quốc hội Lebanon. Hiện tại, tổ chức này vẫn đang hợp tác trong hòa bình với các đối thủ chính trị khác, trong đó có Thủ tướng Saad Al Hariri, một nhân vật do phương Tây hậu thuẫn. 

img

Hezbollah là một quân cờ hữu dụng của Iran để gây sức ép lên Israel, đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ảnh: AFP

Các chuyên gia nhận định Iran có thể gây sức ép để Hezbollah cô lập các phe phái chính trị thân phương Tây trên chính trường Lebanon, một động thái có thể gây bất ổn cho khu vực phía Bắc của Israel.

Iran chính là nhà bảo trợ cho sự ra đời và phát triển của Hezbollah trong cuộc chiến Lebanon - Israel năm 2006. Tehran đã hỗ trợ tổ chức vũ trang Hezbollah xây dựng các nhà máy có khả năng sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác cao. Theo tính toán của Israel, Hezbollah có khoảng 120.000 tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ nước này.

Hezbollah từng tuyên bố các cuộc tấn công của Israel và lực lượng này ở Syria sẽ lôi kéo thêm hàng nghìn tay súng từ Iraq và Iran tới Lebanon, ám chỉ một cuộc chiến chống lại nhà nước Do Thái trong tương lai. Sau những vụ tấn công của Israel vào các cơ sở của Iran và Hezbollah tại Syria, xung đột hiện tại có thể leo thang thành chiến tranh Lebanon - Israel lần 2 bất cứ lúc nào.

Tổ chức Houthi ở Yemen

Iran chưa từng thừa nhận dính líu quân sự trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Yemen. Mặc dù vậy, cả Mỹ và Saudi Arabia đều cáo buộc Tehran cung cấp tên lửa và các loại vũ khí khác cho các chiến binh của lực lượng phiến quân Houthi. Những loại vũ khí này được sử dụng trong các cuộc tấn công vào thủ đô Riyadh và nhiều cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia thời gian qua.

Nội chiến Yemen là chiến trường nơi Iran và Saudi Arabia, đồng minh then chốt của Mỹ ở Trung Đông, tranh giành ảnh hưởng. Những người Iran ủng hộ thỏa thuận hạt nhân muốn ngăn chặn cuộc nội chiến Yemen lan rộng để tránh cuộc chiến tranh trực diện với Saudi Arabia. Nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran có thể mở rộng viện trợ cho Houthi. Kịch bản này xảy ra sẽ buộc Riyadh can dự sâu hơn, có thể là đưa quân vào Yemen, mở ra thêm một chiến trường rực lửa mới tại Trung Đông.

Tái khởi động chương trình hạt nhân

img

Lãnh đạo các nước P5+1 cùng EU và IAEA thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: Reuters.

Dĩ nhiên, một trong những lựa chọn của Iran là khởi động lại chương trình hạt nhân vốn bị đóng băng sau thỏa thuận quốc tế năm 2015. Các quan chức Iran tuyên bố đang xem xét rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei từng tuyên bố Iran không muốn phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng việc Tehran rút khỏi NPT sẽ là mồi lửa châm ngòi cho những điểm nóng toàn cầu khác. 

Theo thỏa thuận năm 2015, Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở mức 3,6%, đủ để sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân dân sự, đồng thời giao nộp lại kho uranium đã làm giàu ở mức 20% cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Nay, Iran cho thấy ý định sẽ đẩy mạnh làm giàu uranium, động thái gây lo ngại bởi nó có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuần trước, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố nước này có thể làm giàu uranium ở mức cao hơn thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết.

Hành động cụ thể của Iran có thể chịu ảnh hưởng bởi phản ứng của các bên ký kết khác của thỏa thuận hạt nhân 2015. Tehran có thể sẽ kiềm chế trả đũa nếu như Anh, Pháp và Đức thuyết phục các công ty của 3 nước này tiếp tục làm ăn với Iran.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt cả các công ty nước ngoài làm ăn với Tehran, khó có khả năng các nước phương Tây làm trái ý Washington. Trong số các nước P5+1, chỉ Trung Quốc có đủ tiềm lực kinh tế để tiếp tục hợp tác với Iran, bất chấp đe dọa từ Mỹ.