Bất chấp sóng gió, những thiếu thốn về nguồn đất, nguồn nước, gió bão, nhiều điểm đảo vẫn tràn ngập một màu xanh của rau, cây và hoa trái.
Phủ xanh các điểm đảo
Vườn rau được chăm sóc xanh tốt trên đảo Đá Lớn C. Ảnh: Minh Nguyệt
Quần đảo Trường Sa có khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm. Một năm có khoảng 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có 13-20 ngày gió mạnh. Thảm thực vật tại đây rất đa dạng, cây cối um tùm, chỉ một số đảo có cây nhỏ, cỏ dại. Nhiều năm trở lại đây, hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn đã được trồng cây, phủ rau xanh... |
Nơi tôi cùng hơn 200 thành viên trong đoàn công tác đặt chân tới đầu tiên sau hải trình gần 2 ngày lênh đênh sóng nước là đảo Đá Lớn C (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hoà). Đảo chìm chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Không còn hình ảnh những hòn đảo chơ vơ ngày đầu giải phóng, giờ đây trên đảo đã có nhà văn hoá đa năng 4 tầng nằm sừng sững hiên ngang giữa mặt biển.
Tuy là đảo chìm, diện tích đất tự nhiên không có nhưng từ nhiều năm nay cán bộ chiến sĩ trên đảo đã tự chủ được lương thực, nhất là rau xanh để phục vụ sinh hoạt. Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn C Lê Thanh Hiệu cho biết, ngoài việc tăng gia nuôi gà, vịt, hiện tại đảo còn xây dựng vườn rau xanh thanh niên. Đây không chỉ là nơi để tăng gia, mà còn là nơi để các chiến sĩ thư giãn. Mỗi loại rau được trồng trên đảo là một món quà gắn với một đoàn công tác gửi tặng anh em.
“Cách đây 1 năm lúc mới ra đảo, cán bộ, chiến sĩ công tác lâu năm ở đây vẫn nhắc nhở nhau về khó khăn trong việc sinh hoạt. Thiếu thốn nên rau cũng không có nước mà tưới. Vì thế trên đảo hầu như không có rau xanh để cải thiện. Giờ mọi người thấy đấy, nhờ có máy lọc nước, anh em chủ động được nước sinh hoạt, lại có thể tiết kiệm nước để tăng gia, trồng rau, nuôi gà vịt. Có rau, có thịt tươi nên bữa ăn cũng không còn đạm bạc như trước” – ông Hiệu nói.
Cách Đá Lớn C khoảng 42 hải lý là đảo Sơn Ca - hòn đảo đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng như cái tên vốn có. Từ xa, đảo Sơn Ca hiện lên như một công viên thu nhỏ. Màu xanh mướt mát của bàng vuông, phi lao theo gió thổi rì rào, hoà vào tiếng sóng nước. Đảo Sơn Ca không có nguồn nước ngọt tự nhiên, bù lại, nơi đây lại được bù đắp bởi các bãi đất cát san hô phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim nên đất đai màu mỡ vô cùng.
Thảm thực vật tại đây đa dạng và xanh tốt với các loài bàng vuông, muống biển, phi lao, sồi và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người mang từ đất liền ra. Một vài loài cây ăn quả như bưởi, mít, na, ổi và thanh long cũng đang được trồng mới tăng màu xanh và sự đa dạng. Nếu một lần đặt chân lên đảo Sơn Ca, được thăm vườn rau thanh niên của đảo mới thấy hết vẻ đẹp, sự cần cù chịu khó của những chàng lính đảo nơi đây.
Chiến sĩ trẻ Đặng Đình Trung 21 tuổi (Đồng Nai) đưa tôi dạo một vòng quanh đảo, rồi dẫn vào khu vườn rau xanh. Vườn rau được chia làm 3 khu, tận dụng diện tích trống trên đảo để trồng rau. Thông thường mỗi một khu các chiến sĩ sẽ dựng khung sắt che nylon làm nhà kính. Phía dưới sẽ dùng các khay nhựa, dùng đất sinh học, trộn với phân để trồng rau, hoặc gieo hạt giống. Hiện tại, khu vườn có hơn 20 loại rau, quả các loại. Nhiều nhất có thể kể tới như mùng tơi, rau muống, cải ngọt, bí đỏ, bí xanh, mướp... Cách đó không xa, chừng 20m là chuồng nuôi gà, vịt của đảo. Dù chuồng khá bé, nhưng có thời kỳ đỉnh điểm nơi đây đã nuôi được tới gần 40 con gà, vịt.
“Tới đây anh em trong đơn vị sẽ gieo thêm nhiều loại rau thơm, cây rau có vị thuốc để cải thiện, tăng cường sức khoẻ. Thêm vào đó, nếu được sẽ ấp trứng gà, trứng vịt mở rộng đàn gia cầm” – Trung giới thiệu.
Vực dậy sau gió bão
Mặc dù nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được phủ xanh nhưng ít ai biết rằng chỉ sau một trận bão, mọi thứ nơi đây có thể hoang sơ, tan tành. Hai trận bão lớn cuối năm 2017 đã quét sạch mọi thứ, bao gồm cả màu xanh trên đảo. Trung uý Lê Đình Trọng – đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) cho biết, trận bão hồi cuối năm 2017 khiến nhà kính trồng rau bị đánh bay hết. Toàn bộ khu đất bị ngập mặn, rau thì bị vùi lấp hết vào đất san hô. Để khôi phục sản xuất, anh em trên đảo phải tận dụng nguồn đất cũ, cải tạo đất bằng cách rửa mặn sau đó mới trồng luống mới.
Thêm vào đó, để tránh bị mưa bão cuốn bay, đất bị ngập mặn các vườn rau trên đảo cũng được quy hoạch lại có mái che, tường be. Không chỉ rau xanh, hàng trăm gốc bàng xanh cổ thụ, vốn là loài cây chúa tể nơi biển khơi cũng bị sóng bão quật ngã. Trung uý Lê Đình Trọng cho biết, cuối năm trước, đảo Trường Sa Lớn nhìn như một bãi chiến trường, tiêu điều, tan hoang. Sau đó, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và người dân từ đất liền mà nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng được vực dậy nhanh chóng, màu xanh lại bắt đầu đâm chồi nảy lộc.
“Chỉ chừng 1 tháng, những cây bàng xanh bị quật ngã trước đó đã được cắt tán, trồng lại và bắt đầu nảy chồi. Những vườn rau xanh được gieo lại cũng nảy mầm. Dưới bàn tay chăm bẵm của anh em trong đơn vị, những luống rau mới tại đảo đã xanh tốt, được hái để phục vụ bữa cơm của quân, dân trên đảo” – trung uý Trọng nói.
Là 1 trong 7 hộ dân sống trên đảo Trường Sa Lớn, anh Nguyễn Quang Hưng (37 tuổi) cùng với vợ và 2 con hàng ngày vẫn làm công việc trồng trọt và chăn nuôi. Anh Hưng cho biết, cuộc sống nơi đảo, tuy xa mà gần bởi giờ đây không bị thiếu thốn nhiều. Có điện, có nước, có sóng điện thoại, có tivi nên bà con cũng yên tâm lao động, sản xuất.
“Hàng ngày, tôi tham gia công tác dân quân, thời gian còn lại đi đánh bắt cá, trồng rau, chăn nuôi gà. Vợ may vá, làm cây cảnh từ ốc bán cho khách lên đảo chơi. Có đôi lúc thời tiết, mưa bão cũng khắc nghiệt nhưng giông tố qua đi thì cuộc sống của dân, quân trên đảo lại trở lại bình thường” – anh Hưng chia sẻ.