GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình.
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này.
Việc thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn tất ở các địa phương. Sau thực nghiệm, chương trình và môn học mới được giới chuyên môn, các thầy cô và học sinh đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Phần lớn cán bộ, giáo viên đã đánh giá cao về định hướng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực được xác định trong các nội dung chương trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến giáo viên, cán bộ chuyên môn cho rằng chương trình có một số bài học, nội dung còn nặng nề. Qua các giờ dạy thực nghiệm chúng tôi cũng nhận ra rằng một số bài học còn thiên về kiến thức, khó dẫn tới quá tải.
Cụ thể, việc quá tải thể hiện qua 2 nội dung: Quá tải về chất là yêu cầu của bài học vượt trình độ nhận thức và năng lực của học sinh. Nội dung quá tải này có nhưng ít. Quá tải nhiều hơn ở lượng, tức là trong cùng một khoảng thời gian cho phép nhưng chương trình đòi hỏi học sinh làm quá nhiều việc, phải tiếp thu quá nhiều kiến thức khiến cho học sinh không còn thời gian vận động.
Chúng tôi đã lưu lại từng nhận xét của giáo viên trong từng bài học, từng nội dung để tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện một cách hợp lý nhất. Sau khi sửa đổi, các nội dung sẽ được hội đồng thẩm định một lần nữa để nâng cao chất lượng.
Trong nội dung các môn học, vấn đề được nhiều giáo viên lo lắng, quan tâm nhất chính là việc tích hợp liên môn và bố trí dạy tích hợp. Ban soạn thảo chương trình mới giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Bản thân tôi khi quan sát, hướng dẫn và tổ chức các giáo án mới thấy, chính nhờ đợt thực nghiệm này, các môn học tích hợp được đưa vào thực tế đã làm cho giáo viên bớt lo hơn. Thực tế, trong các môn tích hợp vẫn có những bài giảng, chủ đề nội dung nghiêng về một môn nào đó và các môn còn lại là kiến thức bổ trợ theo. Ví dụ trước đây đơn môn, có khi lịch sử đang dạy lịch sử châu Á nhưng địa lý lại đang dạy địa lý châu Âu. Còn giờ thì được gom lại để bổ sung kiến thức hoàn chỉnh. Có một số chủ đề tích hợp như: Chủ đề biển đảo, văn minh sông Hồng (nặng về lịch sử); chủ đề đô thị (nặng về địa lý)… Nếu thầy cô nào chưa kịp đào tạo dạy tích hợp vẫn có thể phân công dạy riêng biệt theo những chủ đề.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng có kế hoạch tập huấn, giúp các giáo viên học thêm các tín chỉ để dạy được các môn tích hợp. Đối với những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt như nhiều tuổi, sắp về hưu không thể đi học thêm để dạy thì vẫn có thể sắp xếp cho các thầy cô dạy ở những bài, chủ đề thiên về kiến thức của thầy cô. Để làm được điều này, các tổ chuyên môn phải có sự phối hợp, bàn bạc cụ thể, nhuần nhuyễn.
Qua thực nghiệm, ông đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên, khi mà trước đây lo ngại lớn nhất của chương trình chính là tâm lý ngại đổi mới của thầy cô?
- Có một thực tế là ở nơi nào học sinh đã quen và chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng thì tiết học diễn ra tốt. Giáo viên nào đầu tư cho bài giảng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì tiết học cũng hiệu quả hơn. Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về đội ngũ giáo viên. Cụ thể là thầy cô tiểu học tôi đánh giá là có sự tích cực rõ nét trong đổi mới, trong khi đó khối giáo viên trung học bị cuốn hơi nhiều thời gian vào các kỳ thi nên không có sự chú tâm bằng.
Qua đợt này, chúng tôi càng nhận thấy rõ về đội ngũ giáo viên là nội dung không đáng sợ bằng phương pháp giảng dạy. Nếu thầy cô giáo có phương pháp để làm cho tiết học sinh động, nhẹ nhàng hơn thì nội dung bài học sẽ đạt được hiệu quả rất tốt.
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa là chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng. Với lượng công việc “khổng lồ” và bề bộn như vậy, theo ông liệu việc áp dụng chương trình đúng kế hoạch có khả thi?
- Khối lượng công việc thực sự rất lớn và còn bề bộn. Hiện tại, việc biên soạn chương trình đang ở giai đoạn cuối cùng rồi, sắp tới sẽ là biên soạn sách giáo khoa. Khi đã có chương trình chúng ta sẽ tập trung vào làm sách giáo khoa lớp 1 thì hy vọng sẽ làm được.
Tuy nhiên, cũng chưa thể quyết định được là sẽ triển khai kịp trong năm 2019. Bởi lẽ việc triển khai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sách giáo khoa và tập huấn giáo viên. Việc này sẽ do lãnh đạo Bộ GDĐT quyết định, nếu như đến thời điểm đó cảm thấy đảm bảo tốt thì chúng ta cho triển khai, còn nếu chất lượng chưa thực sự yên tâm thì Quốc hội còn cho lùi lại 1 năm nữa (đến năm 2020). Vì vậy cũng không cần quá vội.
Xin cảm ơn ông!