Dân Việt

Quảng Ninh: Đưa 30 hộ dân ra sống ở đảo Trần

01/12/2011 08:17 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Đề án đến năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ vận động từ 12 - 15 hộ ra định cư trên đảo; thành lập xã đảo Trần thuộc huyện Cô Tô với 2 thôn, thành lập chi bộ đảng và vận động thành lập một số tổ chức đoàn thể.

Ở tọa độ 21o14'20"N 107o58'0"E, đảo Trần hay còn gọi là đảo Trằn là một đảo nhỏ thuộc huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh. Đảo ở khơi xa, nằm về phía Nam của đảo Vĩnh Thực và phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô. Trên đảo có hải đăng cao 18m. Hiện dân cư duy nhất trên đảo là bộ đội hải quân và biên phòng thuộc Đồn 6, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Ninh.

Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống là Đề án do Ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Ninh lập. Theo Đề án đến năm 2013, tỉnh Quảng Ninh sẽ vận động từ 12 - 15 hộ ra định cư trên đảo; thành lập xã đảo Trần thuộc huyện Cô Tô với 2 thôn; thành lập chi bộ đảng và vận động thành lập một số tổ chức đoàn thể.

img
Bộ đội chăm sóc vườn cây trên đảo Trần.

Đến năm 2015, vận động thêm 13 - 15 hộ, nâng tổng số hộ định cư trên đảo từ 25-30 hộ; thành lập thêm 1 thôn, nâng tổng số thôn của xã lên 3 thôn; củng cố hệ thống chính trị cấp xã có đủ các tổ chức chính trị xã hội và hoạt động có hiệu quả.

Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của việc di dân ra đảo; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại đảo; đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng các ngành nghề sản xuất. Đề án xác định nguồn dân cư để vận động di dân ra định cư tại đảo Trần là các đối tượng: Ngư dân đánh bắt quanh đảo Trần; cán bộ chiến sĩ đóng quân trên đảo đưa gia đình ra; điều động một số cán bộ trẻ có trình độ ở các huyện Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái.

Theo ý kiến của đại biểu các huyện thị trong toàn tỉnh, đối tượng cần vận động ra sinh sống ở đảo phải là người dân làm nghề khai thác thủy sản trong vùng; phương pháp là di dân tại chỗ và có cơ chế đặc thù.

Về cơ chế chính sách, tỉnh chỉ hỗ trợ ban đầu còn lại phải để các hộ tự xây nhà ở và mua sắm phương tiện đánh bắt, nuôi trồng; nên tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có trên đảo, tránh đầu tư những công trình lớn nhưng không hiệu quả.

Cơ chế hỗ trợ phát triển các ngành nghề khai thác và chế biến hải sản, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm và chính sách đặc thù cho các đối tượng tự nguyện ra đảo phải đầy đủ.

Cùng với đó, cần hỗ trợ nhân dân đầu tư phát triển sản xuất (mua sắm phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, hỗ trợ tiền dầu…); cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, diện tích đất làm nhà, đất sản xuất. Về bộ máy chính quyền, các đại biểu đề nghị nên để dân ra đảo trước rồi mới hình thành bộ máy.