Vì tôi là bụi trong gió
Khi không lên sân khấu, Tùng Dương thật là nhỏ nhẹ và thậm chí còn có phần hơi tẻ nhạt, vậy mà có nhạc, có ánh sáng và có một chiếc micro, Dương khác hẳn. Anh biến hóa tài tình tới mức khán giả có cảm giác, Dương đã thoát hồn và nhập vào ca khúc mà Dương đang trình bày trên sân khấu, giống như một nghi lễ mà trong đó anh kiêm cả vũ công lẫn chủ xướng.
Lần đầu tiên khi nghe Dương hát trên sân khấu Sao Mai Điểm Hẹn năm 2004, người ta đã nhận ra con đường riêng của anh, rằng chàng ca sĩ này sẽ làm khó khán giả bằng cá tính của mình. Giọng của Dương không đẹp nhưng nó có cái gì đó khiến người ta rất dễ bị mê man, bị dẫn dụ, bị “điên” lên cùng anh nếu như người hát và người nghe có cùng “tần số” giao cảm.
Cùng một bản hát “Li ti” nhưng ca sĩ khác không làm cho người nghe thấy được tính triết lý về thân phận nhỏ bé của con người trong đó. Còn khi nghe Dương hát, những nốt run rẩy bé li ti: “Vì tôi là bụi trong gió, vì anh là cát biển khơi/Chỉ là hạt mưa đất trời, em là hạt lúa đồng xanh/Ai là giọt sương mắt tôi , tôi là giọt sương mắt ai...” cứ găm giữ trong lòng người nghe những suy nghĩ, những trở trăn.
Giả sử có một cuộc “điều tra” nho nhỏ trong khoảng 100 người nghe về giọng ca của Tùng Dương, đáp án có lẽ là 50 người thích và 50 người không thích, không có một đáp án “nhờ nhờ” kiểu “nghe cũng được, không nghe cũng được”. Người không thích thì bảo “cậu này hát như điên”, người thích thì bảo “nghe vì thấy đã”. Nếu ví von một cách hình tượng, “vị giác” mà giọng hát Tùng Dương đem đến cũng giống như món canh đắng, hay là rau diếp cá, người thì nói không thể ăn, kẻ thì bảo, không có... không chịu được.
Đời là những chuyến đi
Dương nói anh không muốn chỉ là một ca sĩ mà muốn trở thành một nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật đương đại. Và anh đã làm được điều đó, bằng những bộ trang phục kỳ công nhưng chẳng giống ai, bằng những động tác của kịch hình thể, bằng những vũ điệu, bằng gương mặt biểu cảm thật lạ lùng trên sân khấu.
Dương hát “Mưa bay tháp cổ” hay “Quê nhà” của Trần Tiến hiền bao nhiêu thì hát “Giăng tơ” hay “Con cò” của Lưu Hà An lại “quái” và trúc trắc trục trặc bấy nhiêu. Xem Dương hát “Giăng tơ” thì biết, anh đã hóa thân trọn vẹn vào... một con nhện. Anh oằn người, anh “giăng tơ” từ những đầu ngón tay và từ cách hát buông lơi những ca từ.
Nhiều người hỏi sao Tùng Dương lại chọn tên “Những chuyến đi” cho liveshow đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 2 và 3.12 của mình, anh trả lời: “Tôi yêu thích câu nói "Cuộc đời là chuyến đi dài gồm nhiều chuyến đi nhỏ" nên muốn mang tinh thần ấy vào con đường âm nhạc của mình. Trên hành trình của tôi, tôi đã gặp, đã hát, đã thay đổi chính mình, thế nên trong chương trình, tôi muốn tái hiện một hình ảnh Tùng Dương trong suốt 8 năm qua”.
Còn nhớ cách đây gần 10 năm, khi còn là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, trong buổi duyệt một chương trình ca nhạc, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đã từng “mắng” ca sĩ Minh Quân lúc đó đang khá nổi: “Quân phải làm thế nào đi chứ, phải đầu tư thêm nhiều cho giọng hát, vì Quân rất có lợi thế về ngoại hình, hãy nhìn Tùng Dương xem, cái quái quái của Dương rồi sẽ trở thành một đóng góp cho đời sống âm nhạc”.
Với con mắt lão luyện của một người sành nghề, lúc ấy nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đã biết Tùng Dương sẽ làm nên chuyện trên con đường “quái quái” của anh, và ông đã không nhầm.
Hải Nhân