Dân Việt

Lo tổn thương tới người dân, chuyên gia đồng loạt lên tiếng về thuế VAT

Phương Linh 10/05/2018 04:55 GMT+7
Thâm hụt ngân sách theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là do chi sai, đầu tư không hiệu quả chứ không phải thu thấp. Bởi vậy, dù có tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% hay gấp đôi nhưng gốc rễ không được giải quyết thì cũng không hiệu quả.

Nhiều chuyên gia trong tọa đàm khoa học “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ góc nhìn đa chiều” diễn ra sáng 9/5 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có cái nhìn tương tự và đồng loạt đề xuất chưa nên tăng thuế VAT thời điểm này.

img

Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng trong thời điểm GDP Việt Nam còn thấp theo đánh giá là chưa hợp lý.

Ông Long nêu quan điểm, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở Việt Nam không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp trong ngân sách, mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai,…

Điều này dẫn đến ngân sách bị eo hẹp bởi sự lãng phí của dự án cũ. Bởi thế, khi cần đối phó với tính cấp thiết của dự án mới, Bộ Tài chính đứng trước sức ép phải có đủ nguồn thu để đảm bảo chi. Tăng thuế trong đó có VAT trở thành một giải pháp.

Trong khi ấy, theo ông, thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Ông nhấn mạnh, dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp.

“Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan thứ sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững,” vị này nói.

Ông cũng lưu ý, nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai,…. thì dù có tăng lên 12% hay gấp đôi đi, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó mà đảm bảo được cân đối ngân sách nhà nước.

Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, việc điều chỉnh tăng thuế suất VAT cần cân nhắc thận trong và tính toán tác động cụ thể đối với sản xuất và đời sống.

Chuyên gia kinh tế Lư Bích Hồ thì nêu quan điểm, tư duy cần xuất phát từ trình độ phát triển của đất nước. Theo ông, Bộ Tài chính luôn đặt ra vấn đề thông lệ quốc tế khi đề xuất điều chỉnh thuế. Điều này theo ông là cần thiết nhưng không quá trọng. Bởi, theo ông, GDP Việt Nam còn thấp so với nước nên “không thể nói thông lệ quốc tế ở đây được.”

Nói thêm về thông lệ quốc tế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đặt thêm câu hỏi: Việt Nam thu theo thông lệ quốc tế nhưng chi đã theo thông lệ quốc tế chưa?

Ông tỏ ra thấu hiểu cái khó của ngành tài chính là không quyết định được chi ngân sách nhưng theo ông, khi đề xuất đánh thuế, ông chưa thấy cơ quan soạn thảo công bố phân tích đánh giá tác động ra sao, tới từng đối tượng như thế nào, ảnh hưởng tới tăng trưởng bao nhiêu,…

Thậm chí, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, việc tính toán tác động của Bộ Tài chính chưa kỹ bởi áp lực tính toán làm sao chỉ để tăng thu. Ông bày tỏ thái độ phản đối tăng thuế giá trị gia tăng trong thời gian trước mắt, ít nhất là 3-5 năm.