Khó mới cần đến thầy
Dù không muốn nhưng cũng phải đặt dấu hỏi phải chăng những lần HLV Goetz đi xem V.League chỉ để “lên hình”, và không hề biết các học trò mình đang làm gì ở CLB? Ở điểm này, có lẽ ông thua xa người tiền nhiệm Calisto-người chỉ nhận được mức lương khoảng 13.000 USD/tháng khi trở lại dẫn dắt các đội tuyển VN năm 2008. V.League và công tác đào tạo trẻ thời điểm đó vẫn thế, nếu không muốn nói là không phát triển như hiện nay. Vậy mà ông “Tô” vẫn giúp tuyển VN vô địch AFF Cup 2008. Việc đoạt HCB SEA Games 2009 (Lào) của U23 VN sau đó còn bị coi là thất bại.
HLV Falko Goetz đã biết những gì về bóng đá Việt Nam? |
Trong đội hình chính của U23 VN đá trận chung kết với U23 Malaysia và thua 0-1 cách đây 2 năm có 9 tuyển thủ trẻ đá V.League: Thủ môn Tấn Trường, Hoàng Quảng, Xuân Hợp, Đình Đồng, Tiến Thành, Quý Sửu, Thanh Hưng, Thanh Bình, Nguyễn Ngọc Anh. Trong số đó, chỉ có khoảng 7 người thường xuyên được ra sân.
Hai trụ cột U23 lúc đó là Thành Lương (Hà Nội ACB), Long Giang (Tiền Giang) là cầu thủ hạng Nhất. Còn đội hình chính của U23 VN thua toàn diện U23 Indonesia 0-2 ở bán kết SEA Games 2011 cũng có 7 tuyển thủ thường xuyên đá chính ở V.League là: Văn Hoàn, Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh, Văn Thắng, Thành Lương, Văn Quyết, Đình Tùng.
Có người cho rằng nên thông cảm với HLV Goetz vì ông có ít thời gian làm quen với bóng đá VN so với ông Calisto. Nhưng như thế thì lý giải làm sao khi HLV Hasson chỉ có khoảng hơn 2 tháng làm quen với U23 Myanmar nhưng đã giúp đội bóng tiến bộ vượt bậc từ giải giao hữu VFF Cup đến khi chính thức thi đấu SEA Games? 13 năm trước, HLV A.Riedl mới tới Việt Nam vài tháng cũng giúp đội tuyển giành HCB Tiger Cup 1998 trong trận chung kết bị nghi là “tự thua” Singapore.
Đó là chưa kể đến việc khó mới cần đến thầy Goetz - người từng có thời gian dài làm việc ở một trong những giải đấu hàng đầu thế giới như Bundesliga (Đức). Nhiều HLV nội khi nghe việc HLV Goetz nhận định tấm HCĐ SEA Games là vừa sức, phản ánh đúng thực lực của bóng đá VN hiện tại đã cười khẩy nói: “Nếu thế để tôi làm cho, chỉ cần nhận 1/4 số lương hàng tháng (22.000 USD) của HLV Goetz cũng mừng lắm rồi”.
HLV Goetz cần thêm bao lâu?
Nói thế để nhận thấy rõ những lời biện hộ của HLV Goetz rất không thuyết phục. Nó cũng giống như cách ông từng khiến các quan chức VFF cảm động với câu nói: “Tôi sẽ dạy các học trò khi ghi bàn đừng chỉ vào cái tên trên lưng áo, mà hãy chỉ vào trái tim. Đội tuyển chúng ta không có ngôi sao nào cả, ngôi sao duy nhất lá cờ Tổ quốc”.
Để rồi sau thất bại bạc nhược 1-4 trước U23 Myanmar trong trận tranh HCĐ, tất cả mới nhận ra rằng cách làm tâm lý của ông nghe thì ghê gớm nhưng chỉ là lý thuyết. Và VFF khẳng định các đội tuyển VN trong tương lai rất cần một bác sĩ tâm lý-điều mà dư luận đã nhắc đến cả chục năm nay, chứ không phải bây giờ mới nói.
Phía trước, HLV Goetz nói cần có thêm thời gian để hiểu về bóng đá VN, ĐNÁ, và VFF cũng đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ HLV Goetz hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nếu (và gần như chắc chắn) ở V.League 2012, các đội bóng vẫn chơi bóng dài, lật vào trong cho ngoại binh to cao dứt điểm; vẫn ưu tiên các vị trí trục giữa cho ngoại binh (để lại lỗ hổng khi lên tuyển), thì liệu đến khi thất bại tại AFF Cup 2012, HLV Goetz có một lần nữa đưa ra lý do ấy để giải thích cho việc đấu pháp, chiến thuật đá bóng ngắn, di chuyển nhanh… của mình bị phá sản hay không?
Chính Minh