Thương lái Trung Quốc dừng mua là ế hàng
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Ninh (Quảng Nam), toàn huyện có gần 500 ha dưa hấu, sản lượng ước đạt 12.750 tấn. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này thu hoạch khoảng 2/3 diện tích. Như vậy, ước khoảng gần 10.000 tấn dưa đã được thu hoạch và cần được tiêu thụ ra thị trường. Số còn lại ước khoảng 150ha chưa thu hoạch.
Với huyện Bình Sơn, có 56ha dưa đang thu hoạch. Sản lượng trên 1000 tấn. Huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tp. Quảng Ngãi....mỗi huyện còn tồn đọng hàng nghìn tấn dưa đang cần được đưa ra thị trường.
Theo người dân trồng dưa hấu tại các huyện Bắc Trà My; Phú Ninh..., thời điểm trước dịp 30/4, giá dưa từ 6.500 – 7000 đồng/1 kg, là giá mà người nông dân trồng dưa có lãi. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây giá dưa “rớt thảm” chỉ còn 1.000 – 1.200 đồng/1kg. Ấy là thương lái mua với số lượng nhiều, chứ nếu bán lẻ, giá chỉ còn 800 – 1.000 đồng/1kg, tùy vào loại dưa đẹp hay xấu.
Một điểm giải cứu dưa hấu ở Hà Nội
Bà con trồng dưa cho biết, sở dĩ trước nghỉ lễ 30/4 giá dưa hấu giữ ở mức 6.500 – 7.000 đồng là bởi thương lái Trung Quốc thu mua. Đến thời điểm hiện tại, dưa hấu Trung Quốc cũng đã vào chính vụ thu hoạch nên việc tiêu thụ cho thương lái Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Cũng theo người dân, với giá dưa như hiện tại từ 1.000 – 1.200 đồng/ 1kg thì người trồng dưa mỗi sào thất thu cả chục triệu đồng.
Theo các nhà chuyên môn, thị trường tiêu thụ dưa hấu của Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam nói riêng chủ yếu là Trung Quốc. Nếu thị trường này dừng thu mua, ắt hẳn giá sẽ rớt. Điều đáng lo ngại hơn cả, dưa hấu là mặt hàng rất dễ hư hỏng, vận chuyển và bảo quản không tốt có thể hỏng hết cả một lô hàng.
Biện pháp dài hơi cho người trồng dưa là gì?
Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa dưa bị “ứ đọng”, người dân cả nước lại ra tay nghĩa hiệp để “giải cứu”, để “đùm bọc” người dân trồng dưa. Nhưng rồi, sự nghĩa hiệp và lòng tốt của người dân có mãi mãi được hay không? Câu trả lời chắc chắn là “không!”.
Để xảy ra tình trạng dưa hấu rớt giá, ứ đọng như nhiều năm qua, một phần do người trồng dưa không phù hợp, bởi cách thức sản xuất tự do, bộc phát. Thấy lợi ban đầu là ồ ạt trồng. Phần trách nhiệm hơn cả vẫn là những nhà chuyên môn không tìm ra được thị trường đảm bảo cho vấn đề tiêu thụ.
Người dân Hà Nội giải cứu dưa hấu
Theo ông Nguyễn Như Hải – trưởng phòng cây lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghệp & Phát triển nông thôn thì cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông trồng dưa để gắn kết từ quy trình sản xuất hiệu quả đến khâu tiêu thụ. Từ sự gắn kết ấy, người nông dân sản xuất dưa cụ thể hơn, trồng rải vụ để khi trái vụ dưa hấu dưa cũng không quá đắt, và đến khi chính vụ dưa sẽ không bị ế.
Để giải bài toán về mỗi mùa dưa không còn ế, không thể dùng giải pháp ngắn hạn như hiện nay. Điều cần nhất bây giờ là cơ quan quản lý cần tổ chức một cách hài hòa; Chiến lược; Nguồn nhân, vật lực...để cùng xắn tay áo với người trồng dưa thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và khoa học.
Cái gốc của vấn đề hiện nay không phải là cứ đến mỗi vụ dưa hấu, người trồng dưa lại kêu gào thảm thiết; Người dân cả nước lại ra tay trợ giúp. Vì vậy, thay đổi phương thức sản xuất để gắn với thị trường và có những bước đi dài rộng hơn là điều cần thiết.
Chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc chắc chắn không phải là bài toán bền lâu. Cần lắm sự chung tay không phải chỉ người dân cả nước, mà còn của các nhà quản lý, các nhà chiến lược...