Ông Lê Minh Đầy - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Hòa Bình, cho biết: Năm nay, huyện phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bạc Liêu mở 20 lớp dạy nghề cho 604 học viên. Các nghề dạy cho lao động nông thôn chủ yếu là làm tóc, sửa chữa xe máy, đan đát, kết cườm và trồng măng tây.
Nghề đan đát không còn mặn mà với lao động nông thôn, khi nhiều làng nghề mai một dần. |
Nghề kém khó kiếm sống
Khi được hỏi, số lao động học nghề thành thục giờ bao nhiêu người có việc làm, ông Đầy lắc đầu ngao ngán: Ít lắm, nghề này khó tìm việc trong tỉnh. Vài phần trăm tìm việc tận TP.Hồ Chí Minh, cũng chưa chắc sử dụng nghề học được mà làm. Khi chúng tôi tiếp xúc các đối tượng học nghề trong tỉnh, đa phần là làm tại nhà và khó bề tha thiết hay ăn nên làm ra với nghề học được, vì nhiều lý do.
Em N.T.T quê xã Minh Diệu, tâm sự: Học cũng qua loa, không sâu lắm, nghề biết chưa thành thạo, muốn giỏi phải học thêm vài khóa bên ngoài mới đi làm thuê được. Em L.M.D (thị trấn Hòa Bình), thú nhận: “Có nghề tàm tạm sao dám mở tiệm ra nghề? Vả lại, có muốn ra cũng không vốn, thôi thì cứ học, hy vọng trang bị được một nghề, chờ cơ hội vận dụng được thì xài, còn hiện tại thì không ai thuê cả”.
Ông Ngô Văn Minh - Trưởng ban Tuyên huấn-Đào tạo Hội ND tỉnh Bạc Liêu), cho biết: Lao động nông thôn ở địa phương được đào tạo chưa chuyên sâu, nghề còn mang tính hình thức, khó bề “trổ tài”. Bởi vậy, khi ra ngoài tỉnh, nhiều lao động kiếm sống bằng sức lực của mình, như phụ hồ, trông trẻ; vài em may mắn hơn tìm được việc đúng nghề nhưng rất hiếm hoi.
Mới khởi phát lại im ắng
Một số nghề được triển khai dạy ở nông thôn Hòa Bình như kết hạt cườm, đan đát chỉ khởi phát lên như một phong trào trong thời gian dạy nghề, sau đó im ắng, đôi khi không ai nhắc tới nữa. Xót với kiểu dạy nghề vừa qua, anh Nguyễn Cường - ấp Tân Tiến, xã Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, ước nguyện: Phải chi dạy nghề làm ngư phủ hay tài công thì xứ này học nhiều lắm mà dễ có việc làm. Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu, nhìn nhận: Xứ sở sông nước và nghề đi biển phát triển mạnh, mà trong thời gian dài chưa đào tạo nghề ngư phủ hay tài công là một hạn chế, dù biết rằng nghề này đang hút lao động dữ dội.
Anh Nguyễn Cường
Các nghề đưa vào dạy không chỉ đơn điệu mấy nghề trên, mà suất đầu tư dạy nghề cũng nhỏ. Ông Lê Văn Đầy nhìn nhận: Cả huyện nhận 517 triệu đồng để đầu tư cho gần 30 lớp với 6 nghề. Số tiền này chỉ tổ chức huấn luyện tại chỗ, chưa đủ nâng cao tay nghề. Hơn nữa, giảng viên dạy nghề rất mỏng, phải căng thời gian dàn trải cho nhiều địa phương.
Theo ông Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu): Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua còn hình thức, cần có giải pháp đổi mới, chọn nghề thiết thực, hợp nhu cầu người lao động. Làm sao đào tạo nghề xong là đa phần lao động có thể xin được việc làm, hoặc chí ít phải ứng dụng có lợi cho sản xuất tại gia đình, có thể cải thiện sản xuất hay cuộc sống một cách thiết thực nhất.
Vũ Khánh