Dân Việt

Nhà "đa mục tiêu" - lũ lên tháo mái làm thuyền

01/12/2011 15:01 GMT+7
(Dân Việt) - Phần mái nhà được thiết kế theo kiểu nhà cổ lầu, khi gió thổi vào sẽ làm nhà dịu mát; còn trong tình huống xấu nhất có thể tháo mái nhà (được gắn kết bằng bulon) để làm… thuyền.

Dù xuất phát điểm và những ý tưởng khác nhau nhưng những người tham gia cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu” cùng có chung một mong muốn: Đồng bào có được tổ ấm yên lành trong cơn đại hồng thuỷ.

Cuộc thi được phát động từ ngày 21.10 và đã tiếp nhận được 427 tác phẩm từ khắp các vùng miền trên cả nước. Bộ Tài Nguyên- Môi trường (TNMT) vừa trao 12 giải cho những ý tưởng xuất sắc nhất.

img
Ý tưởng những ngôi nhà đa mục tiêu nếu thành hiện thực, người dân vùng lũ sẽ bớt khó khăn (ảnh chụp lũ lụt ở Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Thương về miền Trung

Với tác phẩm "Nhà đa năng - Bán di động", anh Nguyễn Ích Thắng, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đoạt giải Nhất cuộc thi. Anh Thắng tâm sự: "Nếu ý tưởng của tôi được hiện thực hoá thì đây là món quà quý gửi tặng đồng bào miền Trung ruột thịt".

Ý tưởng về ngôi nhà có thể di động được trong nước của anh Thắng xuất phát từ ám ảnh về những cơn bão lũ năm nào cũng nhấn chìm miền Trung (và cả đồng bằng sông Cửu Long). Hình ảnh những mái nhà chìm sâu trong lũ, ánh mắt kinh hãi của những đứa trẻ cùng với gói mì tôm ướt sũng nước, những cái chết tang thương… đã thôi thúc anh Thắng lao động và sáng tạo.

Sinh ra từ dải đất miền Trung nghèo khó, quanh năm gồng gánh bão lũ huyện Duy Xuân (Quảng Nam) nhưng anh Cao Phương Tùng, tác giả đoạt giải Ba cuộc thi lên vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp từ năm 1982. Nhận được thông tin cuộc thi chưa đầy 2 ngày, anh đã gửi mô hình nhà cố định trong lũ.

Là một trong những thợ mộc có tay nghề cao, chuyên thiết kế các kiểu nhà của đồng bào Tây Nguyên nhưng anh luôn trăn trở thiết kế thêm một ngôi nhà có thể vẫn bình yên trong lũ để "làm quà tặng quê mẹ".  Đặc biệt phần mái nhà được anh thiết kế theo kiểu nhà cổ lầu, khi gió thổi vào sẽ làm nhà dịu mát; còn trong tình huống xấu nhất có thể tháo mái nhà (được gắn kết bằng bulon) để làm… thuyền.

Trắng đêm mùa nước nổi

Anh Nguyễn Văn Thoả, một giáo viên cấp 2 đến từ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (Cà Mau) tâm sự: "Quanh năm quê mình nghèo khó là bởi thiên tai luôn rình rập". Rời quê Ninh Bình vào Cà Mau học tập rồi lập nghiệp từ năm 1999 nhưng đến nay, vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của anh vẫn phải ở nhà tạm. Mỗi khi mùa lũ về, trong căn nhà nhỏ của anh điện hầu như phải thắp cả đêm. Nhìn vợ vừa cặm cụi bếp núc, vừa bồng bế con trong những ngày nước nổi, anh không thể cầm lòng.

Theo ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ TNMT, hiện 2 tỉnh thí điểm của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu là Quảng Nam và Bến Tre đã bắt đầu triển khai. Riêng ở Quảng Nam đang xây dựng một số nhà đa năng ở vùng thường xuyên bão lũ, nâng cấp công trình thuỷ lợi…

Vậy là ý tưởng xây dựng một căn nhà vững chãi, có thể trụ vững trong lũ đã ra đời. Căn nhà của anh sử dụng vật liệu chủ yếu bằng tre, xi măng, nylon và giấy vụn… có thể lên xuống theo con nước với những thông số kỹ thuật có tính an toàn cao từ việc ứng dụng các nguyên lý toán học cơ bản, đặc biệt là "tỷ lệ vàng" của Kim Tự Tháp. Thậm chí có thể ngồi trong nhà đánh vó, kéo cá cải thiện bữa ăn trong những ngày lũ dữ.

Nhận giải Ba cuộc thi, anh Thoả vẫn không khỏi trăn trở: "Tiếc là lương giáo viên vợ chồng còn èo uột quá, nếu không, sắp tới ý tưởng đã thành hiện thực".