Ngày 11.5, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam xung quanh các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn và việc nhiều kiểm lâm đã có đơn xin nghỉ việc.
“Nhiều cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc là do bị áp lực trong công việc. Thứ hai là do tình trạng sức khỏe, chứ không phải là xin nghỉ sau khi xảy ra nhiều vụ phá rừng” - ông Hưng nói.
Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, kiểm lâm xin nghỉ là do chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc đào tạo trước đây cũng chưa sâu sát với hiện thực; công việc bây giờ phải dùng các trang thiết bị mạng, nên số kiểm lâm cũ “yếu” hơn đã xin nghỉ.
Quảng Nam hiện đang thiếu rất nhiều kiểm lâm, ngành này liên tục đề xuất xin thêm biên chế. Tuy nhiên, tỉnh đang tinh giản biên chế nên rất khó xin tuyển người.
Kiểm lâm Quảng Nam bị oan sau khi xảy ra nhiều vụ phá rừng?
“Để tăng cường bảo vệ rừng, ngành có đề án dùng công nghệ thông tin, đã trình cho UBND tỉnh nhưng chưa được thông qua. Sở cũng đề xuất xin UBND tỉnh cho phép hợp đồng 100 lao động để hỗ trợ kiểm lâm trong việc bảo vệ, phát triển rừng, nhưng đó mới cũng là xin chứ chưa được chấp thuận” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, sau một số vụ phá rừng gần đây, ngành nông nghiệp và kiểm lâm tỉnh đã tăng cường kiểm soát tình hình, các địa phương cũng đang vào cuộc quyết liệt hơn. Bây giờ kỷ luật khắt khe hơn nên ai cũng tỏ ra khá lo lắng. Về lâu dài, cần thực hiện nhiều giải pháp, phân cấp mạnh hơn, làm sao tăng cường được tránh nhiệm của địa phương và cả người dân.
“Nhất là công tác giao khoán rừng phải cụ thể, người nhận khoán rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng chứ không phải trơ trơ ra đó, rồi khi xảy ra phá rừng lại đi đổ lỗi cho kiểm lâm. Thực ra, kiểm lâm là cơ quan hướng dẫn, thực thi pháp luật, lên kế hoạch tham mưu. Địa phương phải huy động người dân, huy động các tổ chức, nguồn lực để thực hiện bảo vệ rừng. Quảng Nam có hơn 400.000ha rừng, một kiểm lâm địa bàn quản lý 10.000ha, vậy sao quản lý nổi? Nói chung, kiểm lâm có mấy người mà làm sao đi bảo vệ hết rừng được” - ông Hưng bày tỏ.
Rừng già ở Quảng Nam liên tục bị tàn phá.
Cũng theo ông Hưng, một phần cán bộ kiểm lâm có sai sót, do chưa nắm rõ tình hình, không nắm dân và không tham mưu một cách quyết liệt cho địa phương, một phần khác là do mệt mỏi sau nhiều vụ phá rừng.
Như Dân Việt thông tin, đến quý I.2018, Quảng Nam đã tiếp nhận hơn 10 đơn xin nghỉ việc của cán bộ kiểm lâm, hiện vẫn đang tiếp tục nhận đơn. Theo đề án tinh giản biên chế, cán bộ ngành kiểm lâm đăng ký nghỉ từ năm 2017 - 2021 là 46 người.
Liên quan đến các vụ phá rừng gần đây, Sở NNPTNT Quảng Nam đã có quyết định cách chức ông Trần Lanh (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung); kỷ luật cảnh cáo ông Hồ Văn Minh (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn kiêm Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn).
Cùng lúc, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng có 6 quyết định kỷ luật 6 kiểm lâm viên.