Tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND TP.HCM trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn TPHCM chiều 11.5, Cục Đường sắt thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt tại thành phố chưa được đảm bảo.
Một số địa phương có đường sắt đi qua chưa chủ động thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Điển hình, tại Q.Thủ Đức, Phú Nhuận và Q.3 còn có tình trạng họp chợ, buôn bán trong khu vực các đường ngang, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt tại Km 1713+273 (P. Linh Đông, Q.Thủ Đức) hiện nay các cơ quan chức năng chưa xử lý hệ thống thoát nước. Do đó mỗi khi mưa nước từ hai bên đường bộ đổ vào đường ngang gây ngập úng đe dọa đến an toàn đường sắt.
Đoạn đường sắt đi qua địa bàn Q.Thủ Đức thường xuyên bị ngập khi mưa lớn
Riêng tại khu vực P.4, 5, Q.Gò Vấp còn có tình trạng xả rác và nước thải sinh hoạt, nước bẩn vào đường sắt gây ô nhiễm môi trường và hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong khi đó, ngành đường sắt vẫn chưa phối hợp được với các địa phương, cơ quan chức năng để bảo vệ, xử lý vi phạm trật tự hành lang đường sắt, dẫn đến việc trong 4 tháng đầu năm đã phát sinh gần chục vụ vi phạm bảo vệ công trình hành lang an toàn đường sắt.
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thông tin đường sắt trên địa bàn TP.HCM chủ yếu đi qua khu đông dân cư, nhiều vị trí giao cắt với giao thông đường bộ và hiện vẫn còn nhiều tồn tại gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt. Các vi phạm chủ yếu ở địa bàn Q.Thủ Đức như việc kinh doanh hoa, cây cảnh trong hàng lang đường sắt tại quận Thủ Đức. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bởi khi tàu chạy, nhất là mùa mưa, rung lắc nhiều thì cây sẽ đổ vào. Cá biệt có trường hợp mắc điện vào trong cả hành lang an toàn giao thông đường sắt… Đặc biệt một số vị trí do lịch sử để lại, dân đến sống trên mái taluy, nước xả thải vào đường sắt. Vào mùa mưa các vị trí này ngập nước và nhiều lần phải dừng tàu.
Trước thực trạng trên, Cục Đường sắt đã yêu cầu ngành đường sắt thành phố phối hợp chính quyền địa phương xử lý ngay tình trạng ngập úng đường sắt tại khu vực P. Linh Đông (Q.Thủ Đức), nhất là trong dịp cao điểm mùa mưa sắp tới. Bên cạnh đó đơn vị này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, giải tỏa các vị trí xâm phạm hành lang an toàn đường sắt phát sinh trong thời gian qua.
Về điều này Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường thừa nhận công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt còn chưa được coi trọng. Mỗi ngành, mỗi đơn vị mạnh ai nấy làm, công tác phối hợp còn rất yếu, ngay cả số liệu thống kê của mỗi nơi lại mỗi khác. Do đó ông đề nghị cần phải tăng cường phối hợp, quy trách nhiệm rõ ràng.
Tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua địa bàn TP.HCM dài 14km từ Km 1712 +205 đến Km 1726+200, đi qua 5 quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và Q.3 với mật độ dân cư dày đặc. Trên địa bàn có 26 đường ngang, trong đó 21 đường ngang có người gác và 5 đường ngang phòng vệ có cần gác chắn tự động. Năm 2017 trên tuyến đường sắt này xảy ra 8 vụ tai nạn làm chết 3 người và 5 người bị thương nhưng rất may 4 tháng đầu năm 2018 chưa xảy ra vụ tai nạn chết người nào.