Về quyền lực:
*“Người lớn hơn có quyền kiểm soát người nhỏ hơn”. Người mạnh hơn được quyền kiểm soát người yếu hơn.
Điều này có nguy hiểm không? Bạn có muốn khi mình còn mạnh, con sẽ tạm thời nghe lời, còn tới khi con trưởng thành thì “Hãy đợi đấy!”? Bởi vì nếu thế, khi bạn về già, bạn trở thành kẻ yếu hơn, con bạn rất dễ thành bất hiếu.
*“Kiểm soát người khác là bình thường, và bị kiểm soát cũng là bình thường”.
Bạn có muốn sau này khi đi học, khi ra đời, những lúc con bạn bị bắt nạt, bị xâm phạm đời tư, bị khống chế, bị lạm dụng, bị áp bức.., con bạn cũng coi đó là chuyện tất yếu của cuộc đời và không biết rằng có thể phản kháng, có thể tìm cách thoát ra?
*Phục tùng phục tùng ba mẹ mới là điều tốt, phục tùng người mạnh là tất nhiên.
Bạn có muốn con mình sống không có lòng tự trọng? khi luôn chọn phục tùng để tránh phiền phức và đau đớn, khi phục tùng trở thành thói quen?
*Hạnh phúc của ba mẹ phụ thuộc vào con, cuộc sống tinh thần của ba mẹ nằm trong tay con.
Bạn có muốn con sẽ là người cầm trịch cuộc sống của gia đình bạn, điều khiển cuộc sống cuả ba mẹ? Hoặc ngược lại, nếu bạn ngoan và nhạy cảm, bé lại luôn nhận lầm trách nhiệm của mình trong xã hội. Khi người khác gặp chuyện buồn bực nào đó không liên quan, nhưng trẻ cũng day dứt, tự hành hạ mình, khoác cho mình những trách nhiệm nặng nề.
Về sự giận dữ:
- Từ những nguyên nhân nhỏ nhặt làm ba mẹ nổi giận, con sẽ biết cách để chọc giận ba mẹ nếu con muốn được chú ý: Chỉ cần con khóc, con làm hỏng đồ chơi, con té ngã, còn làm bể đồ, con la hét, con bị điểm kém…. là có thể ba mẹ sẽ tức giận ngay. Và rất nhanh sau đó, khi bạn có khách, khi bạn bận rộn… khi bé muốn lôi kéo sự chú ý của bạn, bé sẽ dễ dàng chọc giận bạn.
- Từ hình ảnh người ba người mẹ giận dữ, con sẽ hiểu rằng giận dữ là điều tự nhiên, bình thường, thậm chí là điều tốt, là quyền của con người. Con sẽ dễ dàng để cho mình bùng nổ những cơn giận dữ từ những điều trái ý nhỏ nhặt của cuộc sống sau này.
Điều này dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp khi con không biết cách kìm chế cơn giận cuả mình. Chúng ta đang đọc những bài báo về chém giết nhau bắt đầu từ vài xích mích nhỏ, va quệt xe trên đường, bị bạn gái từ chối lời tỏ tình… Tôi không muốn sau này tên con tôi có trong những bản tin đó.
Về nỗi đau:
- Con bị đánh đau thường xuyên bởi ba mẹ, những người vốn rất mực yêu thương con, con sẽ hiểu rằng việc người khác làm đau mình, việc mình bị tổn thương bởi người khác là tự nhiên, là bình thường.
- Nhiều ba mẹ hiểu một cách máy móc rằng “thương cho roi cho vọt”, có nghĩa là cũng nhiều trẻ em bị lầm lẫn: Người nào làm mình đau đớn, đó là người yêu thương mình nhiều. Điều này có thể làm trẻ gặp phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc chọn bạn, chọn người yêu, chọn chồng chọn vợ sau này. Con sẽ có xu hướng thân thiết với người hay làm mình đau đớn, chứ không thân thiết với người mang cho mình bình an!
Tôi cũng là một người mẹ. Tôi thà là con bị vài điểm kém, thà con không nhiều tiền, chứ không bao giờ tôi muốn con mình bị đau đớn. Vậy chúng ta hãy dừng tay lại nhé, các bà mẹ đã và đang giống tôi, cứ đánh con rồi lại ôm con giải thích rằng “mẹ đánh con vì mẹ yêu con lắm”.
Thực ra làm ba mẹ Á Đông, trong lúc xã hội nhiều căng thẳng thế này, thật khó để không bao giờ đánh trẻ. Nhưng chúng ta cũng có thể chọn lựa, chọn cách đánh trẻ để trẻ không hiểu nhầm ngọn roi của mình, phải không?
Gia Gia