Nói về ngôi nhà 300 Kim Mã, một người bạn của tôi kể: “Mình nghe người ta bảo, tối đến bên trong có những tiếng động rất lạ. Nghe nói rằng ngày xưa có một ông người nước ngoài chết tại đây, ban ngày không sao, nhưng cứ đến đêm là bóng ma ông lại về, chạy đi chạy lại dựng hết bàn ghế lên. Nghe họ nói vậy, mình cũng chưa vào bao giờ”.
Những năm qua, nhiều câu chuyện xung quanh ngôi nhà 300 Kim Mã được người dân sống tại Thủ đô truyền miệng nhau. Báo chí cũng đã có nhiều bài viết về ngôi nhà này. Vậy, lí do gì khiến người đời đồn đoán đây là một “ngôi nhà ma”?
Đang ngủ ban đêm thấy giường dựng đứng?
Đầu tiên phải kể đến tấm ảnh một thanh niên chụp ảnh trước khuôn viên của ngôi nhà và đằng sau là một bóng trắng của một cô gái. Và rồi nhiều lời đồn về ngôi nhà càng lan truyền. Tuy nhiên, khi bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cũng cho rằng đó chỉ là ánh sáng chiếu vào chiếc cột bên trong ngôi nhà nên tạo nên hình ảnh như vậy.
Không chỉ có vậy, hàng loạt những câu chuyện khác cũng được nhắc tới, đó là trước khi xây dựng, bãi đất này là ao cá, là nghĩa trang, là miếu mạo, đền thờ…
Rất nhiều câu chuyện liên quan đến ngôi nhà này được truyền tai nhau. Thậm chí, có nhiều người quả quyết đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng ra từ ngôi nhà này vào lúc nửa đêm. Hay việc ông bảo vệ ngủ lại ngôi nhà nhưng ban đêm thấy giường dựng đứng.
Sau tấm ảnh một thanh niên chụp ảnh trước khuôn viên của ngôi nhà và đằng sau là một bóng trắng của một cô gái được lan truyền thì có thêm những câu chuyện về ngôi nhà. Ảnh: TL
Mới đây, năm 2009, đồn đoán được đẩy lên cao trào khi xảy ra vụ người đàn ông bị cắt cổ trên chiếc xe Lexus sang vào rạng sáng 14/2 (đúng Ngày Tình nhân, Valentine), chết ngay cạnh cổng nhà này. Sau sự việc này, câu chuyện ngôi nhà hoang lại nóng.
Được biết, thực hiện Hiệp định ký ngày 14/12/1982 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước, phía Việt Nam đã cấp khu đất tại số 300 phố Kim Mã để Đại sứ quán Bulgaria xây dựng trụ sở và nhà riêng Đại sứ.
Sau đó, phía Bulgaria đã tiến hành xây dựng ngôi nhà có diện tích 1.307m2 trên khu đất có diện tích 3.243m2. Công việc xây dựng được hoàn thành vào năm 1991. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống từ đó đến nay.
Lời kể của những người trong cuộc
Nói về nguồn gốc của ngôi nhà này, cách đây 2 năm, trả lời báo chí, đại tá Trần Đăng Lâm – nguyên GĐ Công ty xây dựng Thành An 171, thuộc Binh Đoàn 11- Bộ Quốc phòng cho biết, công trình nhà 300 Kim Mã phải xây dựng trong 4 năm trời với bản vẽ được gửi sang từ nước bạn. Thậm chí vật liệu xây dựng thời đó, điển hình như những viên gạch để xây nên ngôi nhà, cũng chỉ có duy nhất một đơn vị có được.
Theo đại tá Lâm, năm 1987 bắt đầu tiến hành đàm phán hợp đồng xây dựng, đến năm 1988 hợp đồng được ký kết giữa Binh đoàn 11 (do Thiếu tướng Tô Đa Mãn, Tư lệnh Binh đoàn đại diện – sau này là Phó chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng, nay đã nghỉ hưu). Sau đó, Binh đoàn 11 đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 524 thành lập công trường xây dựng, lấy tên là công trường 78001.
Ông Lâm cũng cho biết: “Câu chuyện về ngôi nhà 300 Kim Mã với chúng tôi thì không có gì cả, và tôi cũng không bàn về câu chuyện ma mãnh cũng như những lời đồn đại”.
Ngôi nhà nằm ngay mặt đường Kim Mã với lối kiến trúc cổ điển. Ảnh: NT
Ngày 8/5, căn "nhà ma" số 300 Kim Mã (Hà Nội) đã được Đại sứ quán Bulgaria bàn giao lại cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: NT
Sau nhiều năm bỏ hoang, ngày 8/5, căn "nhà ma" số 300 Kim Mã (Hà Nội) đã được Đại sứ quán Bulgaria bàn giao lại cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nói về “ngôi nhà ma” 300 Kim Mã, người bảo vệ ngôi nhà cho biết, trong thời gian về làm trông coi ngôi nhà bỏ hoang này, ông chưa bao giờ thấy ma quảy như đồn đoán, mà chỉ thấy nhiều đối tượng chích hút, trộm cắp vào đây ngủ nghỉ.