Tôi ra Hà Nội học đại học từ năm 19 tuổi, ngót nghét cũng lăn lộn ở thủ đô mười năm, trải qua ba bốn mối tình với những người con gái không cùng quê hương, không cùng giọng nói. Có mối tình đậm sâu, cũng có mối tình hời hợt. Ở tuổi ba mươi, tôi thực sự muốn tìm bến đỗ cho cuộc đời mình. Thật tình cờ, trong một lần đi họp Hội đồng hương, nàng ấy đã lọt vào tầm ngắm của tôi. Trò chuyện rồi mới ngỡ ngàng, cô ấy không chỉ cùng huyện mà còn cùng làng, cùng xóm.
Tôi không biết nàng cũng phải, hồi tôi ra phố học, cô ấy mới học cấp hai. Bao nhiêu năm đi qua, tôi thì già đi còn cô ấy thì lớn lên. Nếu không gặp nhau ở buổi họp mặt này, có lẽ ở ngoài đường cũng không biết là người đồng hương đồng khói.
Yêu một cô nàng cùng quê, tôi bị bố mẹ phản đối. Ảnh minh họa
Yêu một cô gái cùng quê lại cùng làng thì còn gì bằng. Tôi đã khiếp sợ cảnh mấy anh cùng cơ quan ngày lễ ngày tết thi nhau chạy sô quê nội quê ngoại ba chốn bốn nơi. Sợ cảnh về quê vợ thì chồng không vui mà về quê chồng thì vợ hờn tủi so bì. Lấy vợ cùng quê, nhà nội nhà ngoại gần nhau, mỗi lần về quê coi như là “về một mối”. Không những thế cô gái cùng xóm này cũng rất xinh đẹp, dễ thương. Cô ấy vừa mới ra trường, đang làm nhân viên tập sự cho một công ty, xem ra cũng thông mình nhanh nhẹn.
Tuổi không còn trẻ, lại nghĩ không còn cơ hội nào tốt hơn cơ hội này, tôi liền lao vào “tán”. “Cưa” nhiệt tình suốt hai tháng liền thì cô ấy “đổ”. Càng gặp gỡ càng tiếp xúc với cô ấy tôi càng nhận ra cô ấy đúng là “định mệnh” của đời mình.
Ông bà ta nói “cưới vợ cưới liền tay”, hơn nữa cô ấy trẻ đẹp phơi phới thế kia, ra ngoài thì khối kẻ “ngon, giòn” hơn tôi nên tôi cũng có phần lo lắng, quyết định “đánh nhanh, thắng nhanh” phòng trường hợp “đêm dài lắm mộng”. Tôi ngỏ lời cầu hôn, nàng gật đầu. Tôi và nàng bắt đầu hoạch định tương lai, chuyện ổn định nơi ăn chốn ở ở đâu để thuận tiện cho cả hai cùng đi làm cho tiện, chuyện về quê thưa chuyện với gia đình, tiếp theo đó sẽ là đám cưới.
Đợt ba mươi tháng Tư vừa rồi về quê, tôi đánh tiếng với mẹ mình là tôi sẽ cưới vợ trong năm nay. Mẹ tôi nghe xong thì mừng rỡ, bà lúc nào cũng lo tôi mải công việc mà lơ là chuyện gia đình. Thế nhưng khi tôi hồ hởi thông báo cô dâu là người trong làng thì mẹ tôi thay đổi thái độ một cách gay gắt “Con lấy ai thì lấy chứ con bé nhà đó thì không được”.
Lý do mẹ tôi đưa ra là trước đây mẹ cô ấy từng ngoại tình với một người đàn ông góa vợ trong xóm bị chồng bắt quả tang. Đợt đó bà ấy phải quỳ xuống van xin chồng tha thứ. Sự việc trở thành tâm điểm bàn tán trong làng suốt một thời gian dài. Hơn nữa dì ruột cô ấy cũng từng bỏ chồng bỏ con theo trai bao nhiêu năm nay không thấy trở về làng. Mẹ tôi nói “nhà nó có truyền thống ngoại tình, mà mẹ nào con nấy, con gái thì thường giống mẹ. Con lấy đứa nào thì lấy, lấy con bé đó mẹ tuyệt đối không ưng. Thà ở đâu khuất mắt không biết thì thôi, đằng này biết rồi còn đâm đầu vào có mà dở hơi”.
Bà hết phân tích rồi giận dỗi mắng mỏ, nói: “Mẹ chẳng có khúc mắc gì với gia đình con bé, cũng chẳng chê con bé điểm gì. Nhưng lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Mẹ là mẹ lo cho tương lai của con sau này”. Mẹ tôi quyết tâm ngăn cản tình yêu của tôi, vậy nên ý định đưa nàng đến nhà chơi dịp lễ vừa rồi tôi không thực hiện được, sợ mẹ tôi có thái độ làm tổn thương nàng.
Sau đợt lễ vừa rồi, lên thành phố cô ấy cứ dò hỏi tôi là mẹ tôi có ý kiến gì không? Sao tôi bảo đưa cô ấy đến nhà giới thiệu mà không đưa? Tôi nói chưa có thời điểm thích hợp để nói chuyện ấy với mẹ. Thực chất là tôi cũng hơi có chút băn khoăn. Xưa nay, đúng là con gái vẫn thường giống mẹ, mẹ ghê gớm thì con ngoa ngoắt, mẹ phúc đức thì con hiền lành, mẹ không đoan trang thì con hư hỏng. Mẹ tôi dẫn chứng nhiều trường hợp cho tôi thấy khiến tôi cũng bị lung lay.
Tôi thấy cô ấy tạm thời cũng không có biểu hiện lăng nhăng lả lơi gì. Vả lại chúng tôi cũng đã “ăn cơm trước kẻng”, giờ chỉ vì chiều theo ý mẹ, chỉ vì lo lắng không căn cứ mà chia tay thì cũng thấy thương cô ấy. Liệu có đúng là ngoại tình cũng có gien, có nòi di truyền như mẹ tôi nói không?