NTNN đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Trọng ưu đãi, thiếu coi trọng ưu tú
Thưa ông, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đưa ra rất nhiều ưu đãi cho 3 đặc khu, liệu có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược?
Một góc Phú Quốc (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Tôi đề nghị cần một luật chung cho các đặc khu kinh tế, có thể triển khai ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nếu nơi này làm không tốt, có thể triển khai ở nơi khác. Mỗi nơi sẽ có những cơ chế linh hoạt riêng. Điều này tốt hơn việc xây dựng luật chỉ dành cho 3 đặc khu, để rồi tới khi mọi việc không thuận lợi lại phải chờ những quy định, chính sách mới. Việc áp dụng, triển khai mô hình đặc khu trên thực tế là một bài toán động với rất nhiều khó khăn mà không thể tìm ra lời giải ngay. PGS - TS Vũ Minh Khương |
- Tôi thấy dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa thật khoa học và có tầm. Điều này thể hiện ở điểm chúng ta đưa ra quá nhiều ưu đãi mà không coi trọng ưu tú. Thêm vào đó là câu chuyện sử dụng ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại đặc khu. Tôi cho rằng chiến lược này cần phải xem lại.
Tôi từng hỏi Intel yếu tố gì thu hút họ đầu tư? Họ trả lời rằng đó là một cơ chế vững bền thay vì các ưu đãi này khác. Hay câu chuyện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhiều người hưởng lương 25 triệu đồng/tháng mà chỉ phải đóng thuế có 1 triệu đồng. Điều này rất khác Singapore, Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế mà chính các nhà đầu tư đóng để hỗ trợ cho các dự án nằm trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi nhất định trong việc phát triển hạ tầng. Bằng cách này, Nhà nước vừa có thể đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo ngân sách mà vẫn hỗ trợ được cho các nhà đầu tư.
Song ở Việt Nam, thay vì làm như vậy, chúng ta lại đưa ra một mức thuế không đáng kể, trong khi ngân sách cạn kiệt dần dù số dự án, số tiền đầu tư rất lớn. Đây là chuyện rất vô lý.
Ở Singapore, mỗi dự án đầu tư, Nhà nước thu về số tiền rất lớn. Rồi từ đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư đi dự các hội nghị, tổ chức các hội thảo, thực hiện một số công việc khác với chế độ đặc biệt. Còn ở Việt Nam, sau khi họ đầu tư, chúng ta lại trở thành người nghèo bởi khi đã đưa hết tiền cho nhà đầu tư rồi, xin lại một đồng cũng khó khăn. Tôi cho rằng hình thức ưu đãi này không hợp lý, sẽ không tìm được các nhà đầu tư ưu tú.
Theo ông, phương án nào sẽ giúp Việt Nam lựa chọn những nhà đầu tư ưu tú cho 3 đặc khu?
- Cần một thể chế ưu tú. Nhà nước sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư, giúp họ giải quyết khó khăn. Thay vì miễn thuế, Nhà nước vẫn sẽ thu thuế, sau đó sẽ được sử dụng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng người lao động trong đặc khu.
Chúng ta phải trở thành một “người giàu” tương xứng để đồng hành cùng các nhà đầu tư. Không thể cho họ quá nhiều ưu đãi rồi chúng ta vẫn nghèo mãi. Những nhà đầu tư sau khi thụ hưởng ưu đãi trong năm đầu tiên, sang năm thứ hai họ sẽ coi ưu đãi đó như yếu tố tất nhiên, muốn thu thêm một đồng thuế thôi cũng rất khó. Tôi cảm thấy ở Việt Nam, chúng ta bị thất thu rất nhiều vì những ưu đãi, đòi hỏi của nhà đầu tư.
Vậy chúng ta có cần đưa ra những ưu đãi về thuế cho 3 đặc khu này?
- Ưu đãi về thuế chỉ nên áp dụng ở mức độ linh hoạt nhất định. Ví dụ, trong 3 năm đầu sẽ áp dụng những ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Sang năm thứ 4, khi các đặc khu kinh tế đã cất cánh và trở nên hấp dẫn hơn nhiều thì không cần ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nữa. Chính quyền đặc khu sẽ tiến hành thu các khoản thuế, phí đối với tất cả các nhà đầu tư. Phải làm sao để ngân sách không bị ảnh hưởng, sụt giảm vì đầu tư cho 3 đặc khu.
Ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nếu không có đặc khu, ngân sách chỉ tăng trưởng theo mô hình tuyến tính. Nhưng giờ nếu có đặc khu, số thu ngân sách sẽ tăng trưởng vượt bậc. Toàn bộ số tiền vượt trên so với mức tăng trưởng dự báo, nên dành hết cho đặc khu để chính quyền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế thu hút nhân tài. Chính quyền đặc khu phải tạo dựng cơ chế, chính sách để nhà đầu tư nộp tiền nhiều hơn cho ngân sách nhưng vẫn vui vẻ đầu tư tiếp.
Cho thuê đất 99 năm chỉ thu hút các nhà đầu cơ
Một trong những cơ chế đặc thù cho đặc khu là thời hạn thuê đất lên tới 99 năm. Ông có cho rằng thời hạn này quá dài?
- Tuyệt đối không nên cho tăng thêm thời hạn thuê so với mức tối đa 70 năm mà Luật Đất đai hiện tại cho phép. Thời hạn thuê đất quá lâu chỉ thu hút những người đầu cơ đất. Những nhà đầu tư khoa học và công nghệ cao chỉ cần tới 50 năm, lâu hơn là 70 năm.
Thời hạn thuê đất theo quy định hiện hành sẽ khuyến khích các dự án ứng dụng kỹ thuật có tiến bộ nhanh và mang lại hiệu quả sớm. Cho thuê đất 99 năm sẽ làm các đặc khu kinh tế bị thiên lệch về thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý quy hoạch đất đai đối với 3 đặc khu kinh tế hiện nay?
- Đầu tiên, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện và thống nhất quản lý. Ở Singapore, Nhà nước bỏ ra quỹ đất bao nhiêu đều dựa trên hai yếu tố cung - cầu và số tiền phát sinh chênh lệch giá đều trở về với Nhà nước. Sau đó để chi trả cho những người có đóng góp thực sự cho quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, cần rất chú ý những người sống trên vùng đất đó ban đầu cũng phải được hưởng lợi. Không được để tiền rơi vào túi cò đất, những kẻ lợi dụng cơ chế. Những đối tượng này phải đánh thuế rất nặng. Còn những người kiến tạo giá trị cần được thụ hưởng.
Cơ sở thử nghiệm thiết chế mới
Ông có lo lắng về hiệu quả kinh tế đạt được nếu đầu tư cho 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong?
- Tôi rất ủng hộ sự ra đời của các đặc khu bởi chúng sẽ tạo ra tư duy mới hoàn toàn. Có thể trong tương lai gần chúng chưa thành công nhưng vẫn tạo ra những bài học giá trị hơn là để cho nhiều đối tượng tranh thủ trục lợi nhờ buôn bán đất đai như hiện tại.
Đây là vấn đề hiệu lực chứ không chỉ là hiệu quả đồng tiền chúng ta bỏ ra nếu so sánh với Hà Nội hay TP.HCM. Vì ở những thành phố lớn rất khó thiết kế, thử nghiệm những thiết chế mới, yếu tố mới nên tôi mong muốn ở những đặc khu, những người dân hôm nay có thể nhìn thấy hình dáng của Việt Nam 30 năm tới. Đặc khu sẽ là cơ sở thử nghiệm những thiết chế mới, hướng đạo cho hướng phát triển tương lai của Việt Nam.
Mô hình này, đề nghị toàn dân tham gia giám sát giúp. Nếu những người đứng đầu không làm được sẽ bị thay thế, lãnh đạo năng lực yếu sẽ không dám nhận làm đặc khu.
Bản đồ đất đai cũng được công khai, mọi người có thể truy cập Internet để tra cứu, tìm hiểu thông tin đất đai của từng người. Những yếu tố này, Việt Nam 30 năm tới phải có. Hiện tại ở 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong còn nhiều sơ khai, chưa có nhiều cản trở, khó khăn thì nên triển khai.
Đừng nên chỉ tính toán hiệu quả khi bỏ ra 1 đồng tiền là bao nhiêu. Khi đặc khu đã đạt được hiệu lực rồi, thì hiệu quả mang tới sẽ có giá trị rất lớn. Đây là bài toán chiến lược mà lãnh đạo đất nước và toàn thể người dân cần nghĩ tới.
Việt Nam có thể học được những gì từ mô hình đặc khu kinh tế của các quốc gia trên thế giới?
- Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (Trung Quốc) là một mô hình có thể học hỏi. Đầu tiên, đặc khu phải là điểm hút về công nghệ, nhân tài, và là điểm khẳng định với thế giới rằng chúng tôi không thua kém ai. Thứ hai, đặc khu phải trở thành điểm hút bằng thể chế ưu tú. Thứ ba, đặc khu phải có sự gắn bó sâu sắc với nền kinh tế trong nước. Đoàn công tác của địa phương khác khi cần thiết không phải ra nước ngoài để học hỏi, chỉ cần tới các đặc khu để tham khảo mô hình quản lý, cách vận hành, chính sách mới trong một môi trường thấm đượm văn hóa Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!