Giao quyền “trả lương” cho các đơn vị
Ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá cao việc Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra thảo luận và thông qua những vấn đề nóng về tiền lương và BHXH.
Theo ông Huân, tất cả những bất cập về vấn đề tiền lương, Trung ương đã đánh giá, phân tích, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện lương khu vực ngoài nhà nước, trong đó tiếp tục thực hiện theo hướng thị trường có sự quản lý giám sát của Nhà nước. Riêng khu vực sự nghiệp công phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại ngân sách theo hướng đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Tức là giao quyền tự chủ các đơn vị trong tuyển dụng, trả lương. Các đơn vị sự nghiệp công như bệnh viện, trường học phải thực hiện quy chế tự chủ tài chính, để học sinh, bệnh nhân tự trả lương... cho cán bộ nhân viên khu vực này. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách.
Đề án cải cách BHXH hướng tới phổ cập BHXH toàn dân. ảnh: Tư liệu
“Khu vực công còn nhiều bất cập nhất, cơ chế trả lương chưa được đổi mới. Trung ương đã nhấn mạnh để thay đổi cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ công chức, tăng nguồn, tăng ngân sách... để cải cách lương cho công nhân, viên chức. Điều này đáp ứng được đúng vấn đề mong mỏi của nhân dân. Vấn đề giờ thực hiện thế nào, giải pháp ra sao?” – ông Huân đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – chuyên gia tiền lương (Bộ LĐTBXH) cũng cho rằng thực tế đây là đề án cải cách được nhiều người dân kỳ vọng nhất. Mặc dù có nhiều điểm mới nhưng một số nội dung vẫn chưa cụ thể và cần bàn bạc để cụ thể hoá hơn. Ví dụ như thang bảng lương, việc trả lương theo công việc, hay thực hiện giao quyền tự chủ trả lương cho người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Cần có giải pháp, lộ trình cụ thể
Theo ông Huân, từ việc thông qua tới thực hiện đề án là cả một vấn đề, chính vì vậy Trung ương cần có chương trình hành động, giao cho Chính phủ để Chính phủ giao cho từng cơ quan cụ thể. “Quan trọng nhất hiện giờ là phải rà soát lại chính sách pháp luật xem cái gì cần sửa đổi, bổ sung. Tiếp đó cần thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống, bởi bao giờ nói cũng dễ hơn làm” – ông Huân nói.
Về thời điểm thực hiện cải cách lương và BHXH, ông Huân cho rằng đề án đặt mục tiêu tới năm 2021 sẽ thực hiện cải cách lương và BHXH là hoàn toàn hợp lý. “Tuy nhiên, cũng cần phải cụ thể hoá xem từ nay tới thời gian đó chúng ta phải làm những gì. Ví dụ, công cuộc thực hiện tinh giản 10% biên chế như thế nào? Rồi ngân sách chuẩn bị ra sao? Dự kiến các nguồn thu như thế nào?... Tất nhiên mình mong muốn cải cách ngay nhưng bộ máy còn nặng nề, nguồn chưa kịp bố trí thì rất khó nên cần phải có bước đi nhất định” – ông Phạm Minh Huân nói.
Riêng về vấn đề BHXH, ông Huân cho rằng đây là vấn đề không quá “nóng”, bởi thực tế từ năm 2014 khi làm Luật BHXH chúng ta đã có nhiều điều chỉnh cho chính sách phù hợp thực tiễn hơn. Có thể kể tới như tăng dần mức đóng, giảm mức hưởng BHXH, đa dạng hoá hình thức hưởng, tăng BHXH tự nguyện, BHXH bổ sung... Nhìn chung về cơ bản, nền tảng về BHXH đã có, giờ thực hiện cải cách chỉ là giải quyết nốt những vấn đề còn tồn đọng như: Độ bao phủ thấp, BHXH chưa đa dạng, khả năng mất cân đối quỹ, tăng tuổi nghỉ hưu...
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội: Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội: Thành An (ghi) |