Hạn chế nhập hàng xa xỉ
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính sách tiền tệ là yếu tố quyết định trong kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng, do vậy Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Nông dân đang rất cần vay vốn để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. |
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tiếp tục giảm dần mặt bằng lãi suất, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ sắp hoàn thành.
Tiếp tục tăng cường kiểm soát nhập siêu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, không thực sự cần thiết, các mặt hàng trong nước có thể sản xuất được… Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu giảm tỷ trọng nhập siêu năm 2012 bằng năm 2011 (tức là khoảng 10% so với kim ngạch xuất khẩu).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá, giữ giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá.
Nhà nước sẽ mua lại các ngân hàng yếu kém
Chiều 1.12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo để thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 11.2011 của Chính phủ. Liên quan tới vấn đề tái cơ cấu DN nhà nước, cụ thể là kế hoạch cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, TS Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng do tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng ảnh hưởng tới tình hình kinh tế VN và làm chậm tiến trình CPH.
Ông Muôn cho biết thêm, tính đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 49 đề án sắp xếp, đổi mới DN, 36 đề án đang làm, 13 đề án thuộc các bộ và địa phương vẫn chưa trình lên Chính phủ.
“Đây là một nhiệm vụ lớn, không chỉ đòi hỏi những cơ chế chính sách phù hợp mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế. Mục tiêu đặt ra là trong 5 năm tới, sẽ có 573 DN được CPH, trong đó có 1 tập đoàn và nhiều tổng công ty lớn của Nhà nước” - TS Muôn nhấn mạnh.
Cho biết rõ hơn về một dẫn chứng cụ thể của việc sắp xếp lại DN 100% vốn Nhà nước làm ăn thua lỗ thời gian qua là Jetstar Pacific, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: Các cơ quan chức năng đã đề xuất lên Thủ tướng chuyển chủ đại diện sở hữu vốn Nhà nước từ SCIC sang một DN 100% vốn Nhà nước khác. “Mục đích chính vẫn là Nhà nước nắm vốn, nhưng nâng cao hiệu quả hoạt động của DN này” - ông Đam phân tích.
Về vấn đề lớn đang gây nhiều băn khoăn là đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, việc hỗ trợ các ngân hàng ngoài quốc doanh đang lâm vào cảnh khó khăn (có 8 ngân hàng yếu kém – tương đương với 5%, theo báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội) đã được tiến hành.
Cũng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son thông tin thêm: Cách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước với những ngân hàng vào loại yếu kém thực sự là Nhà nước sẽ mua lại chúng và đứng ra trực tiếp quản lý sao cho hoạt động có hiệu quả hơn. “Do đó, quyền lợi của tất cả khách hàng, dù đang gửi tiền ở bất kỳ ngân hàng nào, sẽ không bị ảnh hưởng”.
Hải Phong - Ban Thư