Dân Việt

“Hiệp sĩ” bị đâm tử vong: Cựu P. Giám đốc công an TP.HCM nêu giải pháp

Lương Kết 14/05/2018 14:23 GMT+7
Theo ông Trần Văn Tạo, cựu Phó Giám đốc CA TP.HCM các “hiệp sĩ” dù có võ thuật, lòng nhiệt tình nhưng chỉ tay không xông vào bắt trộm, cướp sẽ gặp nguy hiểm.

img

Hiện trường vụ 2 "hiệp sĩ" bị các đối tượng trộm xe SH đâm tử vong.

Tay không làm sao chống kẻ hung hãn có vũ khí

Sự việc 2 “hiệp sĩ” bị những kẻ trộm xe máy SH đâm tử vong, 3 người bị thương tại TP.HCM khiến dư luận hết sức xôn xao. Vấn đề đặt ra nếu để lực lượng này hoạt động cần có những biện pháp gì để giúp họ đảm bảo an toàn khi tham gia bắt trộm, cướp.

Ông Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, lực lượng tham gia bắt trộm, cướp, người dân thường hay gọi “hiệp sĩ” là tự quần chúng lập ra, người tham gia là tự nguyện. “Công an vẫn thường xuyên theo sát cũng như phối hợp với lực lượng “hiệp sĩ” trong việc phát hiện và bắt các đối tượng trộm, cướp. Tuy nhiên trường hợp như vụ 2 “hiệp sĩ” bị các đối tượng trộm xe máy SH đâm tử vong có lẽ rất bất ngờ”, ông Tạo nói.

Vẫn theo ông Tạo, đối với những “hiệp sĩ” nên trang bị áo giáp cho họ để đảm bảo an toàn hay không là vấn đề phải nghiên cứu và đề xuất. Còn các “hiệp sĩ” dù có võ thuật, có lòng nhiệt tình nhưng tay không xông vào bắt trộm, cướp thế nào cũng gặp nguy hiểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh tòa Hình sự TP.HCM cho rằng: Những người tham gia bắt trộm, cướp, nhân dân hay gọi là “hiệp sĩ”, họ ở địa vị pháp lý không hoàn chỉnh, chính vì thế họ cũng không được trang bị phương tiện, công cụ trong hoạt động phòng, chống tội phạm.

img

Việc các "hiệp sĩ" tham gia bắt trộm, cướp là công việc rất nguy hiểm (ảnh NLĐ).

“Họ tham gia bắt trộm, cướp chỉ bằng sự nhiệt tình. Nếu chỉ bằng sự nhiệt tình mà đối diện với kẻ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chúng bất chấp tất cả thì hiệp sĩ có thể sẽ gặp nguy hiểm”, đại biểu Sáu nói.

Theo ông Sáu, trước tình trạng tội phạm trộm, cướp lộng hành, đòi hỏi lực lượng Công an phải tăng cường lực lượng, chẳng hạn như lực lượng đặc nhiệm để xử lý.

“Hiệp sĩ” không phải đối tượng để trang bị công cụ hỗ trợ

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết: Mô hình hiệp sĩ hiện đang phát triển ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Mô hình này cũng là hình thức tham gia phòng, chống tội phạm mới.

“Tùy từng địa phương ở đó hình thức này gắn với phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc thế nào, từ đó có cách thức tổ chức, hướng dẫn các tổ “hiệp sĩ” hoạt động để kết hợp với Công an và quần chúng phát hiện tội phạm. Các tổ chức “hiệp sĩ” trong chừng mực nào đó hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này hoạt động là rất khó”, Thiếu tướng Hồng cho hay.

Vẫn theo tướng Hồng, việc trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ phải theo quy định của pháp luật. Trong Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua thì “hiệp sĩ” không phải là đối tượng được trang bị. Theo ông Trần Văn Tạo, việc trang bị công cụ hỗ trợ nếu vào tay người không tốt rất dễ dẫn tới việc bị lạm dụng, hậu quả khó lường.

Theo Thiếu tướng Hồng, trong thực tế chúng ta đã có quy định về lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cũng như hình thức liên quan đến phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Còn như mô hình “hiệp sĩ” là phát sinh trong thực tiễn, chưa có quy định chặt chẽ, đủ tầm để tổ chức lực lượng này đúng với vai trò, vị trí của họ. Việc hoạt động của ‘hiệp sĩ” nhiều khi mang tính tự phát, mặc dù các cơ quan chức năng có phối hợp, định hướng cho lực lượng hoạt động.

Từ vụ việc 2 “hiệp sĩ” bị cướp đâm tử vong, 3 “hiệp sĩ” bị đâm trọng thương xảy ra ở TP.HCM đã đặt ra vấn đề về sự tồn tại và hoạt động của lực lượng này. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, đây là vấn đề cần nghiên cứu rất kỹ. Nếu để lực lượng này hoạt động cần có quy định để hạn chế tính tự phát, bên cạnh đó là việc quản lý làm sao tránh bị lạm dụng và điều quan trọng hơn là làm sao đảm bảo được an toàn, tránh thiệt hại cho lực lượng “hiệp sĩ” và những người xung quanh họ khi tham gia truy bắt tội phạm.