Khoản 1, Điều 18 BLLĐ 2012 quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của người lao động
Hỏi: Tôi làm việc tại Công ty X từ tháng 10/2016 đến nay nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Công ty có vi phạm pháp luật không? Tôi muốn tham gia (Bảo hiểm xã hội) BHXH thì Công ty bắt buộc phải có giấy khai sinh mới đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ). Điều này có đúng không?
BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Khoản 1, Điều 18 BLLĐ 2012 quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Nếu không ký HĐLĐ là sai và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Về vấn đề tham gia BHXH, BHYT: Theo quy định tại Quyết định số 595/2017 của BHXH Việt Nam, hồ sơ tham gia BHXH, BHYT gồm:
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người lao động:
a) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) đối với người tham gia chưa được cấp mã số BHXH hoặc điều chỉnh thông tin hoặc truy thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Giấy tờ chứng minh đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (nếu có) theo Phụ lục 03.
c) Hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đăng ký đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH.
1.2. Đơn vị:
a) T khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS) đối với đơn vị tham gia lần đầu; đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến; đơn vị thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT.
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-TS).
c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Theo quy định này, không đòi hỏi NLĐ phải cung cấp giấy khai sinh để tham gia BHXH. Do đó, việc công ty X yêu cầu người lao động phải cung cấp giấy khai sinh để tham gia BHXH là không đúng.
Quy định mới về mức lương đóng BHXH
Luật BHXH 2014 cũng có những thay đổi về quy định về việc tiền lương đóng BHXH từ ngày 1.1.2018.
Nhóm thứ nhất là đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.
Nhóm thứ hai là đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Căn cứ quy định tại Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, từ thời điểm 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.
Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lươngnhư: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, khi họ nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.