Sự việc 2 hiệp sĩ bị nhóm trộm xe máy SH đâm tử vong, 3 người bị thương tại TP.HCM khiến dư luận hết sức bàng hoàng, xót xa. Cũng từ vụ việc này, nhiều vấn đề được dư luận đặt ra như việc có nên để cho các nhóm “hiệp sĩ” hoạt động tự phát? Nếu vẫn hoạt động, cần có những biện pháp gì để giúp họ đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia bảo vệ an ninh trật tự?
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm. (Ảnh: Học viện Cảnh sát nhân dân).
“Họ xứng đáng được tôn vinh, nhưng…”
Trao đổi với PV, đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết: Tại Việt Nam, khái niệm “hiệp sĩ” được người dân trìu mến gọi như một cách để tôn vinh tinh thần nghĩa hiệp, xả thân vì cộng đồng của một hay một nhóm người có hoạt động bảo vệ an ninh trật tự một cách tự phát. Còn trong các văn quy phạm pháp luật không có khái niệm về cụm từ “hiệp sĩ” hay “hiệp sĩ đường phố”.
“Nếu chính xác nên gọi là những người tự nguyện trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Những người này không nằm trong bất cứ một tổ chức xã hội hay một cơ quan nhà nước nào”, đại tá Thìn nói.
Quay lại sự việc vừa xảy ra tại TP.HCM, đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết, ông rất cảm động trước tinh thần xả thân, bất chấp nguy hiểm của nhóm hiệp sĩ trên. Hành động của họ đã góp phần không nhỏ cùng các lực lượng chức năng khác bảo vệ sự bình yên của cuộc sống. Họ xứng đáng được ca ngợi và tôn vinh.
“Vụ việc xảy ra tối 13.5 để lại hậu quả nghiêm trọng cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh với các cơ quan chức năng. Từ lúc này chúng ta cũng nên có một cái nhìn toàn diện và kỹ lưỡng về mô hình các nhóm “hiệp sĩ đường phố”. Thực tế cho thấy, sự tồn tại của các nhóm “hiệp sĩ” khiến cơ quan chức năng bối rối bởi họ đã làm thay việc đáng lẽ thuộc về lực lượng bảo vệ pháp luật. Họ hoạt động song song với lực lượng chứng năng, tồn tại như các thiết chế của nhà nước”, đại tá phân tích.
Dù nhiệm vụ phòng chống trộm cắp, bảo vệ an ninh trật tự là trách nhiệm toàn dân, nhưng như vậy không có nghĩa là ai cũng có thể đi bắt cướp, công dân nào dũng cảm cũng có thể trở thành “hiệp sĩ” bắt cướp.
Làm gì để bảo vệ “hiệp sĩ”?
Theo đại tá Thìn, nghĩa vụ của người dân là hỗ trợ lực lượng chức năng phản ánh, tố giác, làm nhân chứng trước tòa, vạch mặt kẻ có tội để công lý được thực thi… Điều này được khuyến khích nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ còn lại thuộc về công an, cảnh sát, các cơ quan bảo vệ phát luật … vì họ được trang bị đầy đủ chứng thực pháp lý, công cụ để bảo vệ pháp luật.
Hạn chế của các nhóm hiệp sỹ là không có được sự trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống và đặc biệt không được trang bị các công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân cũng như chống trả lại sự manh động của các đối tượng phạm tội.
“Việc làm của họ rất đang hoan nghênh, nhưng cách làm cần phải lưu ý. Đa số các nhóm hiệp sĩ hoạt động tự phát nên tạo ra rất nhiều rủi ro cho chính họ và cho cộng đồng. Trong một số trường hợp họ không đủ quyền năng để xử lý. Làm sao một người dân lại có quyền kiểm tra, khám xét và bắt một người dân khác được”, Đại tá Thìn nêu quan điểm.
Ngoài ra, cũng theo đại tá Đỗ Cảnh Thìn, sau sự việc này, không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác có mô hình “hiệp sĩ” nên nhìn nhận lại. Nếu cho tiếp tục hoạt động, phải có biện pháp đảm bảo cho “hiệp sĩ” được sinh hoạt trong môi trường hợp pháp.
“Cũng cần phải xem xét đến phương án đưa những người này vào một số tổ chức như dân phòng, đội tự vệ… để được huấn luyện, đào tạo, bồi dường về tri thức, về võ thuật và được trang bị một số thiết bị phòng vệ tối thiếu. Nếu làm được như vậy, các hiệp sĩ sẽ nhận thức được khi nào có thể tự thực hiện, khi nào cần phải phối hợp với cơ quan chức năng. Từ đó mới đảm bảo được an toàn tối đa”, đại tá Thìn đề xuất.