Dân Việt

Làm sao để giữ được hồn quê giữa lòng phố thị?

Lê Hải Đăng 15/05/2018 09:00 GMT+7
Truyền thống và hiện đại, cũ hay mới luôn là những dòng chảy đan xen nhau.

Trên con đường từ Cửa Đại về phố cổ Hội An băng qua làng Trà Quế, thỉnh thoảng thấy du khách tản bộ hay đạp xe trên con đường nhỏ, hai bên rợp bóng cây, phía xa là những cánh đồng rau xanh ngát. Nghe hướng dẫn viên giới thiệu, ngôi làng này chuyên trồng rau thơm cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, một số ít bán ra ngoài thị trường. Gắn liền với hoạt động sản xuất trồng rau của làng Trà Quế còn có hoạt động du lịch “trải nghiệm” rất được ưa chuộng.

img

Làng rau Trà Quê. Ảnh minh họa Internet

Ở nước ta, có lẽ trừ đô thị Đà Lạt do người Pháp thiết kế ngay từ ban đầu trên địa hình đồi núi chập trùng, còn lại, tất cả thành phố đều đi lên từ làng quê. Nói cách khác, Đô thị hóa ở nước ta là quá trình chuyển biến từ Nông thông thành Đô thị. Những đô thị sau khi chuyển hóa trải qua thời gian dài đắm mình trong hệ sinh thái làng xã cổ truyền, sau giai đoạn Dậy thì (hóa) từng bước trở thành đô thị, rồi từ đô thị cũ lại tiếp tục “Hiện đại hóa’ để thành đô thị mới. Quá trình này diễn ra phức tạp, trên từng khu vực có tốc độ, mức độ chuyển biến khác nhau. Có khu vực kế thừa được thành quả quá khứ nhanh chóng bước vào giai đoạn “Hiện đại hóa”, cũng có khu vực, đặc biệt là vùng ven, thị tứ, huyện lỵ, đi lên từ thuần nông dần bước vào thời kỳ “Đô thị hóa”. Hy hữu có trường hợp như Phú Mỹ Hưng tại thành phố Hồ Chí Minh, do điều kiện kinh tế, địa lý thuận lợi, không hề chuyển qua giai đoạn “dậy thì” mà tiến thẳng lên đô thị từ một vùng đầm trũng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, cây cối um tùm, rậm rạp, nhờ đó tránh được cú va chạm, xung đột giữa hai tiến trình Đô thị hóa nông thôn và Nông thôn hóa đô thị.

Truyền thống và hiện đại, cũ hay mới luôn là những dòng chảy đan xen nhau. Xét về cơ tầng văn hóa, đô thị là sự bổ sung cần thiết cho không gian cư trú. Bên cạnh đó, không gian nông thôn được bảo lưu như một “nguyên mẫu” giữ gìn nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Môi trường văn hóa này gắn bó thân thiết với phương thức sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế tuần hoàn, cơ cấu xã hội người quen, mang đậm nét phong hóa của những cộng đồng luân lý cùng chung hệ giá trị và không tách rời môi trường thiên nhiên. Đó là một trong những đặc điểm khiến cho làng xã truyền thống cần bảo lưu trong xã hội hiện đại. Mặt khác, phải thấy rằng, làng xã không phải giai đoạn thấp trong quá trình phát triển. Đô thị cũng không phải mô hình cao, tất yếu phải đi lên hay tiến tới trong tương lai. Nhằm tránh tư duy chia cắt quá trình phát triển thành các giai đoạn đơn tuyến, nên đặt làng xã và đô thị vào những mô hình khác nhau, tránh tạo xung đột, va chạm về giá trị, thậm chí gây ngộ nhận, sai lầm trong định hướng phát triển, đồng thời từng bước kiến tạo đường biên vô hình lẫn hữu hình cho phép hai mô hình trên cộng tồn trong không gian cư trú.

So với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nền văn minh nông nghiệp có tư cách lịch sử lâu đời. Thế nhưng, trên đất nước ta số lượng làng cổ đi vào danh thắng, cổ tích còn khá ít ỏi, khiêm tốn. Đất nước đang phấn đấu trở thành quốc gia công nghiệp, trong khi cơ tầng văn hóa truyền thống chính là mảnh đất màu mỡ, tiềm ẩn nhiều tiềm năng cần khai thác, phát huy bằng tư duy mới. Những công trình dang dở đang thực hiện cấp tập trên khắp phạm vi cả nước sớm muộn sẽ đem đến những thay đổi căn bản cho làng quê truyền thống, song ẩn chứa đằng sau, nếu không cẩn trọng là bức tranh nông thôn Việt Nam xa lìa “căn tính” dân tộc.

Những ngôi làng giữa lòng phố thị

Khi người Pháp tiến hành công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam, bên cạnh những đô thị theo tiêu chuẩn châu Âu, họ vẫn bảo lưu cấu trúc làng truyền thống giữa lòng thành phố, bởi vậy, thủ đô Hà Nội có “Làng lúa làng hoa” ven sông Hồng, cạnh Hồ Tây; bọc quanh thành phố Hải Phòng có Kiến An, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Đồ Sơn… đều là những ngôi làng gắn với nghề trồng chọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản và thủ công truyền thống; gần sát cố đô Huế cổ kính có một Thôn Vĩ dạ nên thơ; vào đất Gia Định, giữa Chợ Lớn sầm uất và Sài Gòn phố thị vẫn đan xen những ngôi làng cổ kính, như Hòa Hưng, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Kiểng, Tân Quy, Bình Tây… Còn như Quảng Nam, Đà Lạt, văn hóa làng ngự trị ngay giữa lòng thành phố. Quá trình đô thị hóa từng bước tạo nên bức tranh đa sắc cho không gian cư trú, đồng thời bổ sung thêm nhiều mô hình đa dạng. Ngay tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh, người thành phố chỉ cần di chuyển bằng phương tiện công cộng 30 phút là có thể tận hưởng bầu không khí làng quê thanh bình, cảnh hương đồng gió nội và mùi rơm rạ quyện bay trong gió.

img

Toàn cảnh thôn Vỹ Dạ. Ảnh Internet

Tốc độ đô thị hóa thời gian qua ít nhiều đã gây xáo trộn trong đời sống văn hóa, không ít ngôi làng ven đô hay nội thị bị ruồng bỏ, lãng quên, thậm chí phải hy sinh vì sự phát triển. Làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân ở Hà Nội là những ví dụ điển hình. Những ngôi làng này trải qua mấy trăm năm hình thành, nhưng chỉ cần vài chục năm đã teo tóp, biến mất. Tổn thất về vật chất có thể định lượng, nhưng mất mát về văn hóa không gì bù đắp nổi, thậm chí đã trở thành niềm tiếc nuối đối với nhiều người dân. Hình ảnh làng hoa ngày ấy và bây giờ mãi mãi đi vào ký ức lịch sử như những mảnh ghép rời rạc mà con người gom lại để nhớ về một thời.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta cần thiết kế “hành lang an toàn” cho cả làng xã truyền thống và đô thị hiện đại cộng tồn bên nhau. Hệ thống kênh rạch tự nhiên từng làm nên đường “biên giới nước” gợi mở cho con người phác thảo sơ đồ không gian cư trú. Đó là những cột mốc, cấu trúc “tĩnh” do tự nhiên sắp đặt. Đến lượt con người, bằng tư duy sáng tạo tiếp tục tái cơ cấu nhằm tạo nên cột mốc “động” cho phép các giá trị văn hóa tương tục trong hệ thống thiết chế nhằm bảo đảm thuộc tính đa dạng. Thiết chế văn hóa vừa đóng vai trò cơ sở pháp lý, vừa thể hiện bằng vật chất góp phần điều tiết, định hướng quá trình phát triển. Ở Hàng Châu, Trung Quốc có ngôi làng trà cổ Long Tỉnh nổi tiếng vẫn ngự trị bao đời giữa lòng trung tâm thành phố, giống như trái tim thiêng liêng của địa phương này. Như vậy để thế thấy rằng, tính đa dạng là một yêu cầu cần được bảo đảm trong phát triển đô thị.

Trên cơ tầng xã hội nông nghiệp, cần hướng tới phát triển nhiều mô hình tiểu đô thị như những thị trấn êm đềm đóng vai trò vệ tinh xoay quanh trục trung tâm, từ đó tạo nên đường liên kết, gắn bó giữa các vùng miền, thay vì chạy theo mô hình siêu đô thị.

Bài học về phát triển đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể cung cấp kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong quy hoạch, định hướng phát triển. Cần tránh xu hướng giãn nở tự phát, từ đó kéo theo sự xô lệch, méo mó về không gian cư trú. Ngoài ra, nên xây dựng, chỉnh trang những ngôi làng kiểu mẫu, đẹp cả về kiến trúc lẫn môi trường tự nhiên, kết hợp hài hòa giữa cảnh quan và nếp sống văn hóa. Nhiều địa phương tuy thiếu nguồn lực, nhưng nếu biết huy động tốt giá trị văn hóa, tinh thần, thứ tài sản vô hình vào công cuộc xây dựng chiến lược văn hóa vẫn có khả năng thu hút, hấp dẫn du khách trước nhu cầu ngày một đa dạng. Điều kiện vật chất đầy đủ có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, nhưng chỉ có văn hóa tinh thần sung túc mới có khả năng hấp dẫn, níu kéo bước chân con người.