Cụ thể, nội dung trên được Sở Nội Vụ tỉnh Bắc Giang đưa ra trong văn bản số 367/SNV-XDCQ&CTTN ngày 5/4/2018 về "Xin ý kiến đối với phương án quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố". Nội dung này một lần nữa được khẳng định trong báo cáo số 51/BC-SNV 24/4/2018 về thực trạng và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các thôn, tổ dân phố và những người hoạt động không chuyên trách.
Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho nông nghiệp, bỗng dưng mất việc
Trước sự việc trên, PV Dân Việt đã về Bắc Giang để tìm hiểu sự việc. Gặp phóng viên, không giấu nổi sự búc xúc, chị Nguyễn Thị Thảo – cán bộ khuyến nông xã Ngọc Châu (Tân Yên – Bắc Giang) cho biết: “Việc cắt giảm, bố trí lại cán bộ là việc lớn, ảnh hưởng tới đời sống, công ăn việc làm và công tác chuyên môn tại địa phương. Thế nhưng, trước khi có đề án chúng tôi không hề được thông báo, không được lấy ý kiến, nhất là việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để có cái nhìn trung thực nhất về hoạt động của đội ngũ khuyến nông và thú y đã không được thực hiện”.
Có hơn 15 năm gắn bó với công tác khuyến nông, thú y, anh Lưu Trọng Khánh – Cán bộ thú y xã Ngọc Vân (Tân Yên – Bắc Giang) chia sẻ: “Người cống hiến trong công tác Khuyến nông lâu nhất đã được 15 năm, còn trung bình cũng được 10 - 12 năm, độ tuổi trung bình của đội ngũ cán bộ Khuyến nông cơ sở cũng xấp sỉ 40 tuổi. Cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, trí tuệ đã cống hiến cho ngành nông nghiệp".
Đội ngũ khuyến nông, thú y góp phần quan trọng trong công tác phát triển kinh tế địa phương. Anh: H.Đ
"Những đóng góp của chúng tôi đã được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Vậy mà theo dự thảo Đề án của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đưa ra xin ý kiến có nội dung là không bố trí chức danh cán bộ khuyến nông và thú y cơ sở cấp xã. Điều đó đã khiến chúng tôi sốc, lo lắng mất ăn, mất ngủ, cảm thấy bức xúc và bất công"- anh Khánh vừa nói vừa tỏ ra rất hoang mang lo lắng.
Còn theo thông tin từ một số cán bộ thú y tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang cho hay: Đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa hề được thông báo về đề án của Sở Nội vụ, thông tin cũng chỉ biết đựợc thông qua các thông tin đại chúng, Các cán bộ này đều có chung mong muốn, nếu thực sự là đề án thì phải được thông báo để đối thoại, trao đổi bày tỏ tâm tư nguyện vọng, chứ không thể đùng một cái thông báo là xong.
“Thực tế, hiện nay chăn nuôi của bà con nông dân và các gia trại chăn nuôi còn phát triển nhiều trên địa bàn. Hơn nữa dịch bệnh luôn có nguy cơ xảy ra trên đàn vật nuôi đặc biệt một số bệnh truyền nhiễm của động vật lây lan gây nguy hiểm sang người là rất lớn như: bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, cúm gia cầm, bệnh dại... Trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn ổn định. Đó là thành quả của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở là những người trực tiếp phát hiện sớm, giám sát điều trị, dập dịch kịp thời vì vậy chúng tôi rất bức xúc trước thông tin trên” – chị Trần Thị Miên, cán bộ thú y xã Phi Môn (Lạng Giang – Bắc Giang) chia sẻ.
"Trải thảm đỏ" mời người giỏi về làm khuyến nông rồi lại "bỏ"?
Trao đổi với Dân Việt, nhiều cán bộ khuyến nông, thú y còn chỉ ra điểm bất hợp lý trong đề án trên. Chẳng hạn như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lừng ở huyện Lạng Giang (SN 1983, trình độ đại học) vừa mới được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với UBND huyện Lạng Giang đúng 3 ngày thì bị rà soát, trong khi trước đó trường hợp này đã được Sở Nội vụ thẩm định đủ điều kiện để tuyển dụng hợp đồng cán bộ khuyến nông (ngày 29/3/2018).
Theo tìm hiểu, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y hiện nay của tỉnh Bắc Giang hầu hết đều có trình độ kỹ sư nông nghiệp chính quy về công tác tại cơ sở được tuyển dụng theo chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút người có trình độ về công tác tại địa phương của tỉnh Bắc Giang.
Thế nhưng như chị Lương Thị Minh, ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên chia sẻ, thì thật cay đắng, Chị Minh cho biết: “Một số chúng tôi mới tốt nghiệp ra trường, một số đang làm việc tại doanh nghiệp, nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn cống hiến cho quê hương, nên đã chuyển về đăng ký và được tuyển dụng làm Khuyến nông cơ sở. Thời gian đầu một cán bộ khuyến nông phải phụ trách 3 - 4 xã, chúng tôi là những người đầu tiên đưa khoa học kĩ thuật tới người dân, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng bệnh dại trên chó.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của đội ngũ khuyến nông, thú ý ông Lục Thế Đông – Chủ tịch UBND xã An Dương (Tân Yên – Bắc Giang) chia sẻ: "Là xã nông nghiệp, trong đó khuyến nông và thú y là mũi nhọn của kinh tế địa phương tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ khuyến nông và thú y là cánh tay đắc lực của địa phương, đội ngũ gần dân nhất biến các chủ trương thành hiện thực".
Sắp xếp hay cắt bỏ: Cần một câu trả lời thỏa đáng
Theo tìm hiểu, nếu đề xuất 367 của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang được thông qua, về phương án bố trí, sắp xếp cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã, sẽ được giải quyết chế độ theo một trong các hình thức: Chuyển sang cán bộ, công chức xã; chuyển sang cán bộ không chuyên trách cấp xã và hướng bố trí khác do địa phương tự sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ cho thôi việc (hưởng chế độ BHXH, hưởng trợ cấp thôi việc) do các xã tự bố trí.
"Đây là số cán bộ hợp đồng theo chính sách của tỉnh chứ không phải công chức viên chức nhà nước, nhưng đội ngũ này được đào tạo cơ bản nên chúng tôi đưa ra đề xuất phương án trên"- ông Sơn nói. |
Tuy nhiên, theo ý kiến một số lãnh đạo xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thông tin trên là quá đột ngột, rất khó khăn trong việc sắp xếp công việc, rất nhiều xã đã đủ chỉ tiêu công chức, không thể chuyển khuyến nông viên, thú y xã thành công chức. Và đây là đội ngũ kỹ thuật chuyên môn, để bố trí sang vị trí khác thì không phù hợp.
Ông Dương Văn Khoát - Chủ tịch UBND Ngọc Văn (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: "Chúng tôi không đồng ý với đề án cắt giám cán bộ khuyến nông và thú y được đưa ra và mong muốn giữ lại các cán bộ trên để phục vụ chuyên môn trên địa bàn vì đây là đội ngũ vô cùng quan trọng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương".
Trao đổi nhanh với phóng viên báo Dân Việt, ông Bùi Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: "Toàn bộ số cán bộ hiện nay chúng tôi đang rà soát và đến năm 2020 sẽ sắp xếp hết số cán bộ đấy chứ không phải là cắt bỏ, lộ trình hiện nay chúng tôi cũng mới chỉ xin ý kiến. Chúng tôi không bố trí hai chức danh này ở xã nữa mà nhiệm vụ đấy sau này sẽ giao cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp trực thuộc cấp huyện và nhà nước sẽ đặt hàng".
Cũng theo ông Sơn, hiện Sở Nội vụ đang tổng hợp ý kiến và sẽ sắp xếp vào công chức và cán bộ xã theo lộ trình đến năm 2020. Trước mắt, chúng tôi đã sắp xếp được hơn 100 cán bộ con lại đến 2020 sẽ sắp được hết, còn bạn nào có nguyện vọng không muốn làm nữa chúng tôi sẽ giải quyết theo chế độ theo quy định.
Bắc Giang là một tỉnh miền núi nông nghiệp chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp đóng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài cây lúa đơn thuần trước kia đem lại hiệu quả kinh tế thấp, giờ đây Bắc Giang đã chuyển đổi thành công sang các cây ăn quả, hoa màu giá trị cao, hình thành nên những vùng sản xuất nông sản tập trung quy mô hàng hóa. Những trang trại chăn nuôi đồ sộ mọc lên trên đất cằn ở vùng đồi Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn. Trong đó đội ngũ cán bộ khuyến nông thú y cơ sở cấp xã đóng góp vai trò không thể nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại các địa phương. |
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.