Dân Việt

Hà Nội lý giải gì trước tình trạng "cứ mưa to là ngập lụt"?

Thành An 15/05/2018 16:01 GMT+7
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to.

Chiều 15.5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội đã có báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2018.

img

Nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp thì trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 15 điểm bị ngập. Ảnh: Thành An

Tại đây, nhiều phóng viên đã đặt các câu hỏi liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi… Đáng chú ý, vấn đề về việc giải quyết tình trạng ngập lụt mỗi mùa mưa về tại khu vực nội đô, chỉ sau vài cơn mưa là thành phố “thất thủ” trong biển nước. Điều này khiến nhiều người dân rất bức xúc, lo lắng khi mùa mưa đến.

Trả lời các câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Xuân Hải – Chi Cục Phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng vấn đề ngập úng là vấn đề rất nóng hổi, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần. 

Ông Hải thông tin, về nội dung này, TP đã giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lên kế hoạch để xử lý tình trạng ngập úng xảy ra.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to.

Ông Chu Phú Mỹ cho hay, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp thì trên địa bàn tthành phố có khoảng 15 điểm bị ngập. Việc này do nhiều nguyên nhân, như tỉ lệ mật độ xây dựng cao, việc xả rác ra đường nhiều khiến hệ thống thoát nước bị ách tắc. Khi mưa các cán bộ công ty thoát nước khơi thông hố ga mới có thể thoát nước được.

img

Lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội thông tin về tình hình Phòng chống lụt bão trong mùa mưa năm 2018 tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15.5. Ảnh: T.An

Liên quan đến các thông tin về phòng chống lụt bão, ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện tượng ENSO đang diễn ra trong pha lạnh và có xu hướng chuyển dần sang trung tính từ các tháng cuối mùa, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. 

Do tác động của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết bất thường có khả năng xuất hiện nhiều hơn, không theo quy luật và khó lường. Cần đề phòng bão mạnh, dông, tố, lốc, mưa đá xảy ra vào thời kỳ giao mùa và những trận mưa lớn diện rộng xuất hiện gây úng ngập cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp.

Dự báo từ tháng 5 đến tháng 10.2018, xuất hiện nắng nóng cục bộ vào khoảng nửa cuối tháng 5 và tháng 8. Trong tháng 6 và tháng 7 xuất hiện 3 - 5 đợt nắng nóng diện rộng tuy nhiên không gay gắt và không kéo dài như năm 2017.

Cũng trong thời gian này, có khả năng xuất hiện 6-8 đợt mưa lớn diện rộng. Tháng 5 là tháng đầu mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng mưa dông kèm tố lốc.

Về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới, trong năm xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Về tình hình thủy văn, ông Thịnh cho biết: Mùa lũ năm 2018 có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật nhiều năm. Một số sông, suối nhỏ trong khu vực xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ tiểu mãn thấp hơn trung bình nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 3-7 đợt lũ; trong đó 2-3 đợt lũ trung bình. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ năm 2017 (hạ lưu sông Thái Bình cao hơn); thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (sông Đáy cao hơn).

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm tại khu vực Sông Đà, hạ lưu sông Hồng: Tháng 7 hoặc tháng 8; Sông Đáy: Tháng 8 hoặc tháng 9.