Dân Việt

Hai trận hỏa công kỳ lạ hiếm có trong lịch sử Việt Nam

Đại Dương 15/05/2018 18:31 GMT+7
Thời vua Lê chúa Trịnh trong lịch sử nước ta đã xuất hiện hai trận đánh kỳ lạ và hiếm có. Cụ thể là dùng động vật làm kế hỏa công mà giành được chiến thắng.

Hỏa ngưu trận

“Hỏa ngưu trận” rất hiếm có, xuất hiện lần đầu vào thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. Khi quân nước Yên bao vây nước Tề, tướng nước Tề là Điền Đan đã tập trung 1.000 con trâu trong thành, dùng gươm đao buộc vào sừng trâu, lấy cỏ khô tẩm dầu buộc vào đuôi trâu.

Đến đêm khuya quân Tề mở cửa thành, rồi đốt vào đuôi trâu. Đàn trâu bị đốt rống lên rồi cứ lao thục mạng về phía trước thẳng đến trại quân Yên. Quân Tề theo sau đàn trâu tiến thẳng tấn công quân Yên. Quân Nước Yên bị bất ngờ vì hỏa công, rối loạn, bị quân Tề đánh tan.

img

Trận đánh đấy được gọi là “hỏa ngưu trận”. Đến thế kỷ 18 một người Việt đã áp dụng “hỏa ngưu trận” và giành được thắng lợi. Đó là Nguyễn Hữu Cầu.

Nguyễn Hữu Cầu xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ông giỏi võ lại biết cả văn, bơi lội cũng rất giỏi nên người dân thường gọi là quận He (He là tên một loài cá biển). Lớn lên ông gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ và được ông này quý mến mà gả con gái cho. Sau khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu thay cha vợ lãnh đạo nghĩa quân. Nguyễn Hữu Cầu lập căn cứ ở Đồ Sơn, quân có đến hàng vạn, quân chúa Trịnh nhiều lần tấn công nhưng đều thất bại.

Tuy vậy sau nhiêu lần tấn công, quân Trịnh dần cũng đạt được ưu thế về lực lượng và bao vây nghĩa quân tứ phía khiến nghĩa quân không còn đường thoát. Quân Trịnh bắc loa gọi nghĩa quân ra đầu hàng. Trong tình thế khó khăn, Nguyễn Hữu Cầu quyết định dùng “hỏa ngưu trận”. Theo sách Binh thư yếu lược, ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt.

Bị đốt nóng đàn trâu điên cuồng lao thẳng về phía quân Trịnh, vừa húc vừa dẫm đạp. Bị hỏa công bất ngờ, quân Trịnh rối loạn. Lúc này Nguyễn Hữu Cầu mới thúc toàn quân ra đánh, quân Trịnh tan vỡ.

Sau này, Nguyễn Hữu Cầu bị thua quân Trịnh và bị hành hình vào năm 1751.

Thực tế, loại hình “Hỏa ngưu trận” cũng từng được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết trong Binh thư yếu lược: “Dùng con trâu già, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân để chúng không thể quay, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc. Thuốc để quanh co ở trong pháo, chứa những thuốc liệt hỏa, thần sa, thần hỏa.

Phàm khi quân giặc rất nhiều, quân ta ít, dùng trâu ấy xông vào, người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc, lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được”.

Trận "Mèo lửa" của chúa Trịnh

Mèo lửa (hỏa miêu trận) được quân Trịnh dùng để phá khởi nghĩa do Lê Duy Mật lãnh đạo.

Lê Duy Mật là con trai vua Lê Dụ Tông của nhà Hậu Lê. Lớn lên trong bối cảnh quyền lực nhà Lê rơi hết vào tay chúa Trịnh, Lê Duy Mật tiến hành khởi nghĩa để giành lại quyền bính.

Sau nhiều năm giao tranh quyết liệt, đến năm 1763, quân Trịnh cuối cùng cũng đẩy được đội quân của Lê Duy Mật cố thủ ở vùng Trấn Ninh (Nghệ An). Năm 1769, chúa Trịnh Doanh quyết định mang quân vào Trấn Ninh để cùng “sống mái” với Lê Duy Mật.

img

Khi vào Trấn Ninh, đối mặt quân Trịnh là “thành cao, hào sâu” của Lê Duy Mật, không có cách gì phá được.

Theo sách Bình Ninh thực lục, thấy quân lính rất khó khăn khi đánh phá, vượt qua hệ thống phòng thủ hiểm yếu của Lê Duy Mật, một tiểu tướng của quân Trịnh tên Phạm Sinh có sáng kiến dùng mèo làm kế hỏa công.

Quân Trịnh đi thu bắt ở các làng bản quanh vùng được hàng trăm con mèo, dùng dầu thông, dầu trẩu tẩm đốt lửa, lại đánh trống. Quân sĩ hò reo làm mèo sợ hãi chạy về phía đồn lũy của đối phương, khiến cho cây cối bốc cháy, rào chắn, đồn lũy bằng tre bị thiêu rụi.

Bị tấn công bất ngờ, trước chiến thuật không thể lường trước, quân Lê Duy Mật hoàn toàn tan rã. Không còn đường sống, Lê Duy Mật cùng vợ con và thuộc hạ thân tín tự thiêu vào năm Canh Thân (1770).

"Đội quân mèo lửa" đã tạo ra một trận hỏa công chưa từng có trong lịch sử. Sau chiến thắng trở về, xét công ban thưởng, Phạm Sinh được phong phong làm Phấn dũng tướng quân, tước Quận công, vì vậy dân gian gọi ông với biệt danh là "Quận Mèo".

Dù giữ chức lớn, nhưng chẳng bao lâu Phạm Sinh xin về quê mình ở làng Giai Lãng (gọi tắt là làng Giai), phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông đem nghề đan gầu dạy lại cho dân chúng, từ đó gầu trở thành công cụ tát nước đắc lực giúp người ruộng tưới nước.

Khi Phạm Sinh mất, dân lập đền thơ và tôn ông là ông tổ nghề gầu.