“Hiệp sĩ” Đỗ Công Tường (trái) và nhóm “Hiệp sĩ Sài Gòn”. (Ảnh: Trần Đáng)
Xác định trước mối nguy hiểm
Tự nhận là có "duyên phận" với anh em trong giới “hiệp sĩ” khoảng chục năm nay, tôi nhận thấy phần nhiều rất đáng trân trọng bởi chữ trượng nghĩa, thấy chuyện bất bình sẽ không bỏ qua dù xác định có thể vong thân.
Có một chi tiếc rất xúc cảm, xác định sự hiểm nguy rình rập, sinh tử khó lường, một số “hiệp sĩ” đã chuẩn bị trước di ảnh phòng khi bất trắc nằm xuống dưới lưỡi dao ác nghiệt của bọn tội phạm.
Anh T. - một “hiệp sĩ” ở Sài Gòn cho biết, rất nhiều lần anh đối diện với hiểm nguy. Bọn tội phạm mất chỗ làm ăn sau khi bị nhóm “hiệp sĩ” của anh quần thảo liên hồi, nổi điên tìm cách tấn công anh và cả gia đình.
“Có lần chúng dí tôi vào góc đường hăm dọa, ra giá không được, chúng thề sẽ đến tận nhà tôi xử lý”, anh T. cho biết. Dưới lớp vải lót bàn thờ ông bà ở nhà anh T. luôn có một tấm ảnh bán thân của anh. Anh cho hay, điều này chỉ có vợ anh biết.
“Hiệp sĩ Sài Gòn” Trần Văn Hoàng tóm gọn một tên trộm cắp.
“Trở thành “hiệp sĩ” là xác định đối diện với sự hiểm nguy, thậm chí có thể là cái chết. Khi tham gia truy bắt bọn cướp giật trên đường phố, các “hiệp sĩ” đã bước vào “cuộc chiến” không cân sức với bọn tội phạm. Chúng tôi ngoài tấm lòng sẵn sàng xả thân chẳng có gì, trong khi bọn trộm cướp luôn có “hàng” để chống trả. Tôi đã tâm sự với vợ rồi, nếu tôi có mệnh hệ gì thì cố gắng nuôi con”, T. xúc động nói.
Với tuổi đời còn trẻ, “hiệp sĩ” Hoàng Thanh Hải (Bình Dương) cũng cho biết “đã chụp ảnh chân dung rồi”. “Tôi chụp hình để sẵn đấy nếu có chuyện bất trắc thì gia đình chỉ có việc đặt lên bàn thờ”, Hải tâm sự.
Nỗi lòng “hiệp sĩ”…
Về tới Bình Dương, sau chuyến thăm các “Hiệp sĩ Sài Gòn” thương vong, ánh mắt anh Nguyễn Thanh Hải – thủ lĩnh nhóm “Hiệp sĩ” Bình Dương, phảng phất nỗi buồn xa xăm.
Anh cho biết, cách đây không lâu, Công an TP.HCM đã qua Bình Dương học hỏi kinh nghiệm tổ chức nhóm “hiệp sĩ”. Nhưng đến nay, nhóm “Hiệp sĩ Sài Gòn” vẫn chưa được hỗ trợ chuyên môn này.
“Làm “hiệp sĩ” không thể ngẫu hứng, tự phát mà phải có chuyên môn, nghiệp vụ săn bắt trộm cướp. Nếu nhóm “Hiệp sĩ Sài Gòn” được hỗ trợ chuyên môn chắc không thương vong nặng nề như vậy”, anh thổ lộ.
Theo anh Hải, khoảng chục năm nay, nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương đã có quy chế hoạt động, được phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Dương hỗ trợ nghiệp vụ, võ thuật để phòng chống tội phạm trộm cướp.
Thủ lĩnh ”hiệp sĩ” Bình Dương Nguyễn Thanh Hải không chế một đối tượng trộm cướp tại Bình Dương.
Thực chất, các nhóm “hiệp sĩ” ở Sài Gòn lâu nay hoạt động theo phương thức “tự lực cánh sinh”. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng phần lớn là hoàn cảnh khó khăn.
“Đi bắt trộm cướp, xăng xe chúng tôi tự bỏ tiền túi mua. Hư xe, thậm chí đuổi tội phạm ngã xe thương tích, chúng tôi đùm bọc hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Nhóm có hơn chục người chỉ vài ba người biết chút võ thuật. Mấy anh em khác chỉ biết lấy tinh thần xả thân vì việc nghĩa bù đắp cho thiếu hụt kỹ thuật phòng thân”, anh Đỗ Công Tường – thủ lĩnh nhóm “Hiệp sĩ Sài Gòn” thổ lộ.
Thu nhập từ nghề sửa xe không đủ choàng cho thời gian đi săn bắt trộm cướp, “hiệp sĩ” Tường hiện phải làm thêm nghề “cò” đất. Còn “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng chạy xe ôm để mưu sinh…
Trong chuyến thăm hỏi các “Hiệp sĩ Sài Gòn” nằm điều trị tại bệnh viện, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Công an TP.HCM trang bị áp giáp cho “Hiệp sĩ Sài Gòn” trong trấn áp tội phạp trộm cướp...
Tuy nhiên, đó vẫn không phải là điều quan trọng nhất mà TP.HCM cần làm lúc này. Chắc hẳn rất nhiều người, và ngay cả các "hiệp sĩ", cũng mong sớm có ngày sự có mặt của các nhóm "hiệp sĩ" trên đường phố Sài Gòn là thừa thãi...