"Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tuổi tác. Hằng ngày tôi vẫn bơi 500m, sáng tập yoga. Tôi vừa đi Yên Bái, viết được 3 bài tử tế trong vòng 4 ngày…", nhạc sĩ kể. Ông không nghĩ mình trẻ hơn 10 tuổi hay gì. "Đọc lại một bài viết về tôi cách đây 30 năm, có câu kết: Anh đầy phong độ, liệu 60, 70 tuổi anh có thấy mình già? Bây giờ tôi đã 75, 76 rồi thì phải hỏi như thế nào chứ?!", nhạc sĩ Đôi mắt Pleiku cười lớn.
Ảnh:NVCC
"Tôi không thỏa mãn với những bài hát nhạc pop, nhạc rock của mình. Tôi muốn hướng đến những bản nhạc mang tính giao hưởng, hàn lâm. Thỉnh thoảng có điều kiện tôi lại viết những tác phẩm dài hơi, như Đà giang đại hợp xướng hoàn thành gần đây". Tôi chẳng nghĩ là mình bao nhiêu tuổi, cái gì đến thì để cho đến. Hiện nay tôi vẫn thấy mình đầy sung sức. Bây giờ ai yêu cầu tôi viết bài thì hãy bóc lột tôi đi, chính lúc này tôi đang có sức khỏe, sức sáng tác và có kinh nghiệm để nhận rõ con đường đồng hành với âm nhạc dân gian". - Nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Cơ duyên nào dẫn tới sự hợp sức của nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Tùng Dương?
- Một người bạn nói với tôi: "Ông thật hạnh phúc. Ông chỉ cần có một Y Moan thôi đã là niềm mơ ước của bao nhạc sĩ. Vậy mà ông còn có cả Siu Black". Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng mình có thêm một người nữa là Tùng Dương.
Tùng Dương từng hát nhiều bài của tôi, nhưng để gộp lại trong một sản phẩm thì bây giờ mới có. CD gồm 10 bài, do cả hai lựa chọn. Có những bản phối Tùng Dương chưa cảm thấy ưng thì vẫn làm lại. Chúng tôi hướng đến cái mới, cái khác, chứ không chỉ là cái hay.
Ở album Tùng Dương hát Nguyễn Cường, ông cho rằng mình và ca sĩ sinh năm 1983 gặp nhau ở điều gì?
- Chúng tôi cùng chọn những bài mà cả hai thấy ưng ý, chỉ chiều tai tôi và tai Dương. Ai cảm thấy đồng điệu thì sẽ tiếp nhận. Tôi cũng khuyến cáo, với CD này, không nên nghe quá ba bài liên tục. Đây là những bài rất "nặng" ở phần nội dung, tư tưởng.
Có những bài dài mới tinh, dài tới 8 phút, như một aria. Có những bài viết từ lâu nhưng được dựng hoàn toàn mới, ví dụ như Bi ca Trọng Thủy. Tùng Dương sẽ hát theo phong cách tuồng về chuyện tình Romeo và Juliette của Việt Nam.
Nói như nhạc sĩ, lại một lần nữa Tùng Dương được "nâng cấp" ở khoản… lên đồng?
- Bây giờ là một cuộc "lên đồng" mới và tôi đã thấy cậu ấy ngã vật ra ngay trong phòng thu. Thế nên tôi mới bảo đã cầm đĩa CD này thì không nên nghe liên tục đến bài thứ tư, phải nghỉ đi rồi hãy nghe.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Trần Tiến
Về bài hát mới 8 phút, có gì thú vị, thưa nhạc sĩ?
- Bài này có tên Độc thoại phù sa theo phong cách symphony rock. Bạn rất thân của tôi là Trần Tiến có bài hát rất hay, gọi những cô gái nông thôn đi ra thành thị trở về khi các cô vỡ mộng, thất bại, bẽ bàng ở nơi không thuộc. "Về đi em cô gái ngây thơ của làng ta…".
Còn ở bài hát của tôi là chàng trai nông thôn ra thành thị. Nhưng tôi không gọi về mà nhân vật tự ý thức việc trở về. Cậu ta ý thức mình là hạt phù sa sông Hồng thì phải trở về đất mẹ để xây dựng cuộc đời mình. Bởi những vẻ đẹp của thành thị không thuộc về cậu ấy, mà cái xấu của thành thị thì lạ lẫm.
"Lạ lẫm những bon chen xuôi ngược/ Lạ lẫm những toan tính thua được…" Anh ta ý thức mặt trời của mọi người thì có thể ở phía Tây, nhưng mặt trời của anh ta còn ở phía đằng Đông, còn đủ bí ẩn, đủ để anh ta trở về khán phá cùng sức trẻ của mình, về với dòng sông mẹ, với chính mình.
Những ca khúc như ông vừa kể xem ra rất hợp với giọng hát, cá tính của Tùng Dương. Qua quá trình Tùng Dương hát Nguyễn Cường, ông nói gì về ca sĩ này?
- Những giọng hát ruột đến với nhạc của tôi như một cái mệnh. Y Moan vào những năm 1980, 1990, đến Siu Black vào những năm 1990 đến 2000 gối vào nhau. Đến nay là Tùng Dương.
Tôi thấy đây là ca sĩ có tư tưởng, có khát vọng lớn, có trí tuệ chứ không phải ca sĩ tiện đâu hát đấy. Một tác giả bao giờ cũng có những ca sĩ ruột. Ngược lại, với ca sĩ, khi ra bên ngoài, việc anh hát tác phẩm của ai thì sẽ cho thấy mức hạng, tư duy và con đường anh ta theo đuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Phó Đức Phương cùng ca sĩ Tùng Dương - Ảnh: QUỐC BẢO
Trở mảng ca khúc Nguyễn Cường, có phải nhạc của ông trải rộng ở ba chủ đề chính về Tây Nguyên, Hà Nội và miền biển?
- Nói chủ đề là không đúng, mà là chất liệu. Tôi không theo chủ đề nào, ví dụ như nông thôn hay bộ đội, mà tôi tập trung vào chất liệu. Đó là chất liệu âm nhạc Ê Đê, Gia Rai, Cơ Tu, Ba Na… nằm trong chất liệu âm nhạc Tây Nguyên.
Chất liệu thứ hai là đồng bằng Bắc Bộ. Nay tôi đang mò sang chất liệu các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là Mông, Tày, Mường… mà bản khí nhạc Đà Giang đại hợp xướng đã sáng tác là minh chứng.
'Bộ tứ Sông Hồng': Nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương
Đêm nhạc Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng diễn ra ngày 5 và 6.6 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội được coi là chương trình lớn nhất trong sự nghiệp của Tùng Dương. Đây là đêm nhạc riêng thứ 10 của Tùng Dương, quy tụ những tác phẩm âm nhạc thành công nhất của 4 nhạc sĩ được nhiều người trong nghề gọi là "Bộ tứ sông Hồng": Dương Thụ - Trần Tiến - Phó Đức Phương - Nguyễn Cường.
Chia sẻ ấn tượng về từng nhân vật thuộc "bộ tứ", Tùng Dương - cũng là tác giả kịch bản của đêm nhạc - nói: "Nhạc sĩ Dương Thụ là người lắng nghe được những ẩn ức không dễ gì nói ra của những người phụ nữ một cách tinh tế, dịu dàng. Còn nhạc sĩ Trần Tiến, ấn tượng mạnh nhất của tôi là hai thuộc tính có vẻ như trái ngược trong âm nhạc là chất đời và chất thiền".
Với Nguyễn Cường và Phó Đức Phương, Tùng Dương ví hai nhạc sĩ này như hai "ông già gác đền" vì cả sự nghiệp âm nhạc hướng đến những di sản của dân tộc. "Với 4 cá tính âm nhạc riêng biệt và 4 màu sắc khác nhau, tôi hi vọng có thể thực hiện được cuộc "phân thân" rất thách thức lần này" - Tùng Dương bày tỏ. Khách mời của chương trình còn có ca sĩ Bằng Kiều và Trần Thu Hà.