Đồng Tháp đi đầu
Là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Đồng Tháp có nhiều cái để “kể”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan vườn xoài tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ảnh: T.L
"Cái hay của Đồng Tháp là biết chọn ra 5 sản phẩm thế mạnh để tập trung tái cơ cấu, nâng cao giá trị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thống nhất chương trình hành động và có những nghị quyết, chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình tái cơ cấu nông nghiệp”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT |
Ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đề ra mục tiêu “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”, điều này phần nào chứng minh đề án TCC nông nghiệp ở Đồng Tháp đã đi đúng hướng. Theo đó, 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra và vịt được tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nhìn nhận: “Thời gian qua, tỉnh thực hiện 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, cùng triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn, đồng thời thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…
Làng hoa Sa Đéc cũng đã hình thành Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu công nghệ sinh học, tăng cường các giống hoa mới, đồng thời xây dựng được những mô hình trồng hoa phục vụ du lịch. Đây là bước tiến quan trọng để phát triển làng hoa Sa Đéc thành thành phố 4 mùa hoa”.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản lượng nuôi cá tra của Đồng Tháp đứng cao nhất ĐBSCL. Ngoài ra, tỉnh còn có 20 nhà máy chế biến, 26 nhà máy chế biến thức ăn, 157 cơ sở sản xuất giống. Hiện 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Kim ngạch xuất khẩu từ cá tra đạt mức trung bình 1,67 tỷ USD/năm.
Riêng đàn vịt, Đồng Tháp tập trung vào 3 nội dung chính: Con giống chất lượng; khắc phục việc thả vịt chạy đồng thường xuyên bị dịch bệnh bằng mô hình nuôi nhốt; hạ chi phí thông qua hợp tác, liên kết và xây dựng chuỗi ngành hàng. Hiện đàn vịt của tỉnh đạt gần 6,5 triệu con, mỗi năm cung cấp 5.983 tấn thịt vịt hơi, tăng 1.387 tấn so với năm trước, 264 triệu quả trứng, tăng 246% so với trước.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tâm sự: “Qua thời gian lặn lội cùng nông dân, đồng hành doanh nghiệp, tư duy cùng nhà khoa học…, chúng tôi phát hiện ra rằng, ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng còn nhiều nút thắt. Muốn tháo gỡ thì vai trò của doanh nghiệp và các nhà đầu tư rất quan trọng, phải hợp sức cùng nhau để giải bài toán chi phí cao, chất lượng thấp”.
OCOP và dấu ấn của Quảng Ninh
Quảng Ninh có nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô…
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy lợi thế và nâng cao giá trị của các sản phẩm truyền thống. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ra đời một phần lý giải những khúc mắc trên.
Chương trình OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu: Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.
Thực hiện chương trình OCOP, tháng 5.2015, xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã thành lập HTX Nông Dược xanh tinh hoa trên cơ sở quy hoạch lại trại trồng cây vải cũ của Nông trường Quảng La đã giải thể với diện tích 23,5ha để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La, với mục tiêu phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm...
Giám đốc HTX Nông Dược xanh tinh hoa Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Hiện nay, HTX đã đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vay tín dụng 2,5 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Năm 2016, tổng doanh thu của HTX đạt 1,2 tỷ đồng; đã tạo ra hơn 20 sản phẩm dược liệu, nông nghiệp cho chương trình OCOP của huyện; duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng 50 - 60 lao động là bà con dân tộc thiểu số tại xã Quảng La, Bằng Cả với thu nhập ổn định từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định: Đây là chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không chỉ phát triển ở đô thị mà còn có tác động phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
“Chương trình OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ. Cần xác định OCOP là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị. Do vậy, triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nói.
Vườn mẫu - nét riêng của Hà Tĩnh Khác với nhiều địa phương lựa chọn kinh tế để TCC nông nghiệp, Hà Tĩnh chọn “lối đi riêng”, là gắn TCC với xây dựng nông thôn mới. |