Dân Việt

Rừng "chảy máu" sao lãnh đạo không bị xử lý?

Đình Thắng 17/05/2018 16:26 GMT+7
Chính phủ đã có các quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng mất rừng do cháy, phá rừng nhưng chưa có thấy có một lãnh đạo huyện, tỉnh nào bị kiểm điểm, xử lý.

Sáng nay (17.5) tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT tổ chức Tọa đàm thực hiện “Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của  Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” nhân  Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm(21.5.1973-21.5.2018).

img

Nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam có đơn xin nghỉ việc hàng loạt cho thấy công tác bảo vệ rừng đang là áp lực chung của lực lượng kiểm lâm ở nhiều địa phương khác. Ảnh IT

Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp cả nước đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,57%, nâng độ che phủ của rừng đạt 41,45%, trồng rừng đạt 225.000ha, khai thác gỗ rừng tập trung đạt 28 triệu mét khối, giá trị xuất khẩu trên 8 tỷ USD... Đáng chú ý là công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã giảm 38% số vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng thiệt hại giảm 68%.

img

Cục Kiểm lâm cho biết số vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh IT

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học gắn với sử dụng hài hòa các lợi ích kinh tế, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị 13 tới các chủ rừng. Đồng thời chỉ đạo và phối hợp với lực lượng kiểm lâm nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ khu vực rừng ở địa bàn giáp ranh.

Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết: “Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, Phú Thọ biên chế kiểm lâm nhiều hơn các tỉnh khác nhưng thực tế nếu không có tuyên truyền thì không làm nổi. Phải làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương. Hiện, các tỉnh giáp ranh với Phú Thọ đã ký kết các quy chế phối hợp và chỉ đạo các huyện cũng phải triển khai. Khi tổng kết quy chế phối hợp không chỉ là ngồi đánh giá mà còn phải đi kiểm tra, phát sinh cái gì chúng ta cần trao đổi để kịp thời bổ sung cho sát thực tế”.

Ông Đoàn chia sẻ thêm, hiện tại chính sách chế độ của kiểm lâm khá tốt, cán bộ kiểm lâm có thâm niên ở địa bàn đang hưởng lương 15 - 16 triệu đồng/tháng. Dù chế độ lương, phụ cấp rất tốt, đầy đủ so với nhiều ngành khác, nhưng vẫn có những trường hợp xin nghỉ hưu sớm do áp lực, trách nhiệm bảo vệ rừng ngày càng nặng nề.

Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam có đơn xin nghỉ việc hàng loạt cho thấy công tác bảo vệ rừng đang là áp lực chung của lực lượng kiểm lâm ở nhiều địa phương khác. Công việc, trách nhiệm bảo vệ rừng đứng trước nhiều thách thức nặng nề. 

Theo quy định, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn 2- 3 xã, kể cả những khu vực có rừng đặc dụng được bố trí kiểm lâm, thì mỗi cán bộ quản lý khoảng 500ha rừng. Vì vậy, cán bộ trên 50 tuổi để đảm bảo đi rừng, bám sát rừng, đặc biệt là khu vực có địa hình khó khăn như khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, theo ông Đỗ Quang Tùng, lực lượng kiểm lâm cần trau dồi kiến thức về chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ kiểm lâm, chấp hành tốt các cơ chế, chính sách đã được quy định trong lĩnh vực nông nghiệp.

Báo cáo tại buổi toạ đàm, đại diện Cục Kiểm lâm cho biết, số vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng đang có xu hướng gia tăng. Qua thống kê, trong 10 năm qua, cả nước xảy ra 432 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 10 kiểm lâm hy sinh khi bị các đối tượng phá rừng, lâm tặc tấn công.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm, cho rằng công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm hiện nay đang đứng trước nhiều sức ép và áp lực.

Trước đây, Chính phủ đã có các quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng mất rừng do cháy, phá rừng nhưng chưa có thấy có một ông chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nào bị kiểm điểm, xử lý, mà chỉ quy trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm.

Ông Cương cho rằng: “Nếu không có hành động quyết liệt để các địa phương phải thực hiện đúng các quy định bảo vệ rừng, thì sự việc nhiều kiểm lâm ở Quảng Nam xin nghỉ việc vừa qua dễ tạo thành "hiệu ứng domino" ở nhiều địa phương khác, nhất là những địa phương có diện tích rừng rộng lớn”.