Dân Việt

Phát động nhắn tin ủng hộ quỹ hỗ trợ bệnh nhân lao

P.V 18/05/2018 00:12 GMT+7
Bệnh viện Phổi T.Ư vừa phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia và Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia (1400) đã phát động nhắn tin Ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao

Người ủng hộ có thể nhắn tin theo cú pháp: TB gửi 1402. Mỗi một tin nhắn, người dân sẽ gửi 18.000 đồng để ủng hộ người bị bệnh lao, không giới hành số lượng tin nhắn. Thời gian bắt đầu từ 1.5 đến hết ngày 29.6.2018. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản đến Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao theo số tài khoản 16010000288699, Ngân hàng BIDV, chi nhánh Sở Giao dịch 3.

img

Khám bệnh tại BV Lao phổi Hà Nội (ảnh minh họa).

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.

Năm 2016, ước tính Việt Nam có 126.000 người mắc lao mới, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại 30.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

"Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Đặc biệt, phần lớn người mắc lao ở Việt Nam thường rơi vào những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng, chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng" - PGS Nhung nhận định. 

Hiện nay, theo điều tra sơ bộ, còn khoảng 20.000 người bị bệnh lao chưa có thẻ BHYT. Ngoài ra, số tiền 5% viện phí mà bệnh nhân lao có BHYT phải đồng chi trả cũng là gánh nặng không ít đối với người bị bệnh lao, đa số là người nghèo, cận nghèo, trong khi việc điều trị bệnh lao lại kéo dài, người bệnh mất sức lao động, phải phụ thuộc vào gia đình.