Nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường đã chia sẻ về tình bạn, tình đồng nghiệp giữa họ.
Bộ tứ sông Hồng (từ trái sang): Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương
Dương Thụ lớn tuổi và nghiêm túc nhất trong bốn người. Ông thường bị ba đồng nghiệp gọi là "giáo sư", "thầy giáo" bởi mỗi lần nói chuyện gì đều say sưa, chiếm hết phần những người còn lại. Bị trêu chọc, Dương Thụ bật cười. Nhạc sĩ 74 tuổi tâm sự: "Người ta nói 'Giàu vì bạn, sang vì vợ', còn tôi thì ngược lại. Tôi sang lên nhờ chơi với ba ông này. Tôi lớn tuổi nhất nhưng kém nổi nhất. Có người còn nhận xét âm nhạc của Dương Thụ cũng thường thôi, nhưng nhờ chơi với Trần Tiến mà nổi tiếng. Nhưng tôi không vì thế mà ghen tỵ với các bạn mà thấy hạnh phúc, tất nhiên đôi lúc cũng thấy hơi tủi thân".
Trong nhóm, Dương Thụ và Phó Đức Phương chơi với nhau sớm nhất bởi họ ngồi từng chung trường đại học, sau đó tới Trần Tiến và cuối cùng là Nguyễn Cường. Tác giả Cho em một ngày nhận xét Phó Đức Phương luôn tìm ra cái mới trong âm nhạc, Trần Tiến "viết nhạc Pop hay nhất Việt Nam" còn Nguyễn Cường lôi cuốn khán giả ở sự giản dị nhưng chân thành trong các sáng tác.
Trần Tiến tâm sự họ cùng là "thế hệ bản lề" - những nhạc sĩ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ mang trong mình bốn cá tính khác biệt - theo lời vè của bạn bè Trần Tiến là: "Thụ giáo sư, Phương ư hự, Cường nhiệt huyết, Tiến khí tiết". Nhưng bốn người được kết nối với nhau ở một điểm chung, đó là tình yêu với âm nhạc và những trải nghiệm gian khổ của một thời. "Bốn người chúng tôi phải hứng chịu trọn vẹn cái khốn nạn và bi hùng của cuộc chiến. Mỗi người có cách nhìn riêng về chiến tranh, cuộc đời và số phận đất nước nhưng đó đều là tiếng nói của một thế hệ đầy gian nan, vất vả, lại rất đỗi tự hào", ông tâm sự.
"Bộ tứ sông Hồng" truyền cảm hứng cho những sáng tác của nhau. Theo lời Trần Tiến, những sự cạnh tranh nho nhỏ, đáng yêu giữa các nhạc sĩ khi thấy đồng nghiệp có sáng tác hay kích thích họ phải làm được những điều tương tự. Ông vừa cười vừa kể: "Thời Nguyễn Cường nổi lên như vua nhạc Tây Nguyên, tôi cũng là người yêu Tây Nguyên thì thấy cay cú lắm nên làm luôn một loạt sáng tác như Chiếc vòng cầu hôn, Giấc mơ Chapi, Ngọn lửa cao nguyên... cho mà biết". Trong suốt những năm tháng gắn bó, họ cũng có những lúc bất đồng, tranh cãi. Tuy vậy, cuối cùng, họ đều tìm cách kìm nén cảm xúc tiêu cực bởi muốn giữ lại mối quan hệ tốt đẹp.
Trần Tiến (phải) cho biết trong nhóm ông chơi thân nhất với Nguyễn Cường
Liveshow của Tùng Dương bao gồm các tác phẩm do bốn nhạc sĩ sáng tác. Theo lời Dương Thụ, các nhạc phẩm của họ viết ra để dành cho các ca sĩ thuộc thế hệ của Tùng Dương hát. "Mỗi thời đại lại có nhạc sĩ và ca sĩ riêng. Nếu để một người bằng tuổi tôi mà hát nhạc của mình, tôi không dám nghe vì nó không ra tinh thần mình viết. Giống như nhạc tiền chiến thì phải nghe Thái Thanh, Lệ Thu, Sài Gòn cũ thì Khánh Ly, Tuấn Ngọc...
Nghe Tùng Dương, Hồng Nhung hay Thanh Lam hát nhạc Trịnh Công Sơn là hỏng hết, không ai hát ra gì cả vì đó không phải là thời của họ", ông tâm sự.
Nhạc sĩ buồn khi thấy xu hướng nhiều nghệ sĩ đương đại tìm về nhạc tiền chiến, bolero... chỉ để kiếm tiền. Dương Thụ khẳng định ngoài bốn người trong "bộ tứ sông Hồng", còn rất nhiều người cùng thời có sáng tác hay, xứng đáng để được diễn trên sân khấu.
Đêm nhạc của Tùng Dương có sự tham gia của hai khách mời đặc biệt là Bằng Kiều và Hà Trần. Nhạc sĩ Thanh Phương và Lưu Hà An sẽ phụ trách hòa âm, phối khí cho các ca khúc. Liveshow được tổ chức vào tối ngày 5 và 6.6 tại Hà Nội.