Dân Việt

Chủ tịch Hội NDVN bàn kế làm giàu ở làng nghề nước mắm Phú Yên

Hùng Phiên 18/05/2018 06:27 GMT+7
Trong đà phát triển hiện nay, hội nông dân địa phương cần ngồi lại cùng bà con để bàn cách tổ chức làng nghề nước mắm “xanh-sạch-đẹp”, xây dựng thành sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường để người dân làm giàu bền vững.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung bộ, ngày hôm qua 17.5, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến thăm làng nghề nước mắm Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trao đổi về đa dạng sản phẩm, phát triển thương hiệu làng nghề nước mắm Phú Thọ 3.

Tại đây, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đã thăm hỏi cặn kẽ quy mô làm ăn của cơ sở nước mắm Mười Thành, do lão ngư Bùi Thành làm chủ. Theo ông Thành, mỗi năm cơ sở này nhập muối hơn 10 tấn cá cơm, với sản lượng xuất xưởng hơn 4.000 lít nước mắm các loại. Đạt mức lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm, giải quyết 5 lao động thường xuyên, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

“Đây là cơ sở nước mắm gia đình, sản xuất gối đầu, với quy mô vừa phải. Cơ sở đang rất cần nguồn vốn để mở rộng sản xuất, nhất là các vụ mùa nhập mua cá nguyên liệu. Đầu năm 2018, cùng với 13 hộ ở làng nghề này, gia đình tôi đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 30 triệu đồng để làm vốn lưu động, đầu tư thêm một số thùng muối mắm. Hiện nay, Mười Thành đã có nhiều bạn hàng ổn định tại các tỉnh, thành trong nước” - ông Thành cho biết.

img

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm cơ sở nước mắm Mười Thành.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng đánh giá cao chất lượng nước mắm, quá trình xây dựng thương hiệu của cơ sở Mười Thành. Ông cũng trực tiếp gợi mở về hướng mở rộng làm giàu bền vững cho làng nghề nước mắm Phú Thọ 3: “Trong đà phát triển du lịch tại địa phương, làng nghề nước mắm cần chú trọng đến khâu bao bì gọn, đẹp, bắt mắt hơn. Điều này giúp góp phần đa dạng đối tượng khách hàng, tăng sự tiếp cận đầu ra sản phẩm. Ví như, ngoài việc đựng mắm trong chai nhựa 1 lít, có thể chuyển sang đựng trong các chất liệu phù hợp khác; với các loại mẫu chai lọ 0,5 hoặc 0,25 lít. Để nước mắm có thể đến trực tiếp với du khách mua làm quà, đến thẳng các nhà hàng, khách sạn,… Điều này góp phần nâng cao giá trị bán ra trên từng lít nước mắm”.

Tiếp đó, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác đã đến thăm lò nước mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Lạc. Đây là lò mắm với đầu vào mỗi năm 15 tấn cá cơm, tuy nhiên gia đình chưa đăng ký nhãn hiệu, chỉ bán trong bạn hàng quan biết. Hộ bà Lạc cũng vừa được Quỹ Hỗ trợ nông dân Phú Yên cho vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Chủ tịch đã khuyến khích gia đình bà Lạc tiến hành đăng ký chất lượng, nhãn mác. Điều này sẽ giúp tiếp cận thêm khách hàng mới, giúp người tiêu dung yên tâm hơn về chất lượng nước mắm gia truyền.

img

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng trao đổi về đa dạng sản phẩm, phát triển thương hiệu làng nghề nước mắm Phú Thọ 3.

Trò chuyện với bà con làng nghề và cán bộ hội nông dân địa phương, Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Cán bộ hội cần phải năng động, bám sát hỗ trợ để bà con làng nghề phát triển sản xuất. Đó là góp phần thẩm định, đề xuất vốn vay cho các hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất. Khuyến khích bà con làng nghề liên kết xây dựng thương hiệu, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để ổn định chất lượng, đạt các yêu cầu sản phẩm an toàn. Trong đà phát triển hiện nay, hội nông dân địa phương cần ngồi lại cùng bà con để bàn cách tổ chức làng nghề nước mắm “xanh-sạch-đẹp”, xây dựng thành sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường bền vững”.

Theo ông Nguyễn Hữu Lĩnh - Chủ tịch Hội ND thị trấn Hòa Hiệp Trung, địa phương đang có trên 100 hội viên ND tại làng nghề nước mắm Phú Thọ 3. “Lâu nay, bà con chủ yếu làm và buôn bán nước mắm theo kiểu gia truyền, truyền miệng. Việc sản xuất gối đầu, bán rai rai quanh năm,… đa số cũng chỉ đủ chi tiêu cuộc sống gia đình; chỉ một số ít hộ đầu tư lớn mới có thể làm giàu. Những điều gợi mở làm ăn của Chủ tịch Hội NDVN là hết sức quý giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát để hỗ trợ bà con làng nghề tăng cường xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu tư để làm giàu bền vững” - ông Lĩnh nói.