NSƯT Chí Trung và Nhà hát Tuổi Trẻ có sự “chuyển mình” với mong muốn thu hút thêm nhiều sự quan tâm của khán giả. Ảnh: T. L
Bởi giữa thời khán giả quay lưng với nghệ thuật truyền thống, nay mất đi “bầu sữa ngân sách”, liệu các nghệ sĩ, nhà hát có đủ sức tự đứng trên đôi chân của mình?
Khi sân khấu “ngã ngựa”
“Chúng tôi đang kinh doanh những thứ không ai cần?” - NSƯT Chí Trung - Giám đốc Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - từng chia sẻ vui như vậy, khi bàn đến câu chuyện số phận của những nhà hát đang trong tình trạng “chết yểu và sống mòn” ở Hà Nội hiện nay.
Nói vui vậy mà nghẹn đắng, cay sống mũi. Nghệ sĩ ai cũng nhiệt huyết, sẵn sàng lao vào tập luyện đổ mồ hôi và cả máu trên sàn tập. Đổi lại khi công diễn, chỉ lác đác khán giả đến xem. Có khi phát vé miễn phí theo diện khách mời, vậy mà hàng ghế vẫn trống.
May mắn, thời gian qua Chí Trung và tập thể nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã tích cực chuyển mình, xây dựng dự án “Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam”, trong đó biểu diễn cả nhạc Bolero để “hút” khách tới rạp. Còn việc đìu hiu, vắng khách là thực trạng chung của không ít nhà hát ở Hà Nội hiện nay. Đặc biệt với các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng...
Một số nơi, nghệ sĩ chấp nhận dựng vở chỉ để ra mắt một đêm, sau đó chờ những đợt phục vụ các sự kiện hay thi thoảng có hợp đồng tại cơ quan, đơn vị mới diễn tiếp.
Không chỉ sân khấu phía Bắc mà ngay cả sân khấu phía Nam, vốn hoạt động vô cùng sôi động, nay cũng lâm cảnh khó khăn. Thời gian qua, thông tin sân khấu Superbowl của NSND Hồng Vân đóng cửa là đề tài được công chúng đặc biệt quan tâm. Đây là sân khấu mà Hồng Vân dành rất nhiều tâm sức nhưng vì không thể cáng đáng nổi mức giá thuê mặt bằng, cộng thêm lượng khán giả đến xem kịch thưa thớt nên buộc phải “khai tử”.
Nhiều sân khấu kịch khác ở Sài Gòn cũng có nguy cơ đóng cửa vì thua lỗ. Lượng khách giảm gần 50%, trong khi chi phí đầu tư cho vở diễn tốn kém, tiền thuê mặt bằng tăng cao... khiến nhiều người làm nghề nản lòng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long có cách nhìn khách quan hơn, nghệ thuật truyền thống không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn chứa đựng giá trị hồn cốt dân tộc, những tinh hoa được cha ông ta chắt lọc từ bao đời qua. Vì vậy loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn có một lượng khán giả nhất định, trong đó không chỉ những người già mà còn nhiều bạn trẻ. Dẫu cho lượng khán giả này so với các nghệ thuật khác chỉ là một phần nhỏ, không đáng kể.
Đồng thời ông Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận rằng, việc định hướng hay tìm hiểu nghệ thuật truyền thống không đơn thuần chỉ là thưởng thức, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần mà còn là cách để chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, hiểu được thế nào là bản sắc dân tộc, nhận biết được cái tôi dân tộc để tự hào mà phát huy những điều đó. Cho nên rất cần tạo sự cân bằng giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật giải trí mang tính thời đại.
Không thể “sống mòn” nhờ tiền ngân sách
Thời gian qua, câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam làm ăn thua lỗ, nợ đến hơn 20 tỉ đồng tiền thuê đất gây xôn xao dư luận. Trong khi các nghệ sĩ thắc mắc về chuyện chậm trả lương, người dân cũng đặt câu hỏi: Tại sao phải đóng thuế để nuôi hãng phim, nơi cho ra đời những bộ phim chỉ bán được vài vé và lỗ suốt 20 năm nay?
Đặc biệt không chỉ hãng phim, hàng loạt nhà hát ở Hà Nội cũng đang lâm vào cảnh ế khách. Trong khi các nghệ sĩ phía Nam phải nỗ lực rất nhiều, tìm đủ cách để làm sân khấu kịch sôi động trở lại, dù họ “ho một tiếng, một buổi tập luyện cũng mất tiền”. Còn ở Hà Nội, cơ sở vật chất sẵn, nói như NSƯT Chí Trung thì tiền lương có người trả, điện có người đóng, thế nhưng vẫn lâm cảnh đìu hiu.
“Thực ra sân khấu ở trong chúng tôi vẫn huy hoàng và đầy đam mê như thế. Nhưng bây giờ, chỉ với chiếc smatphone hay tivi, khán giả có thể mang cả thế giới về nhà, đủ các loại hình giải trí. Người ta không có nhu cầu đến nhà hát xem kịch nữa” - NSƯT Chí Trung lý giải nguyên nhân.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, “nghệ sĩ phía Bắc quen với nếp nghĩ cái gì làm ra cũng có người xem. Và bây giờ chúng ta đang bị ngã ngựa, hóa ra chẳng ai xem cả. Đơn giản vì chúng ta làm ra những cái rất giống nhau, trung tính, nửa vời và không vì khán giả. Tôi nghĩ các nghệ sĩ sân khấu kịch phía Bắc cần phải có sự “chuyển mình”, không thể sống mòn nhờ tiền ngân sách mãi được”.
Với NSƯT Tấn Minh - GĐ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động cũng buộc các nhà hát phải thay đổi, xoay chuyển trong công tác quản lý, xây dựng chương trình hấp dẫn thì mới có doanh thu. Theo đó, các nghệ sĩ cũng không thể ỷ lại việc “bao cấp” hay “biên chế” mà phải tự cứu mình bằng sự năng động, nhanh chóng bắt kịp dòng chảy thời đại, nếu không muốn bị đào thải.