Chỉ với con số 17,6 triệu lượt xem thôi, MV này của Sơn Tùng M-TP đã phá rất nhiều kỉ lục tại Việt Nam, trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Chỉ với 17,6 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ phát hành, Sơn Tùng M-TP đã hoàn toàn có thể tự hào về sản phẩm của mình – chí ít là về độ phủ lượng người xem, độ ầm ĩ của dư luận, độ vượt mặt so với cả các ca sĩ Kpop của Hàn Quốc.
Nhưng vì sao lại có con số khác biệt 22 triệu lượt người xem? Phía Sơn Tùng M-TP và đối tác của mình vẫn chưa đưa ra được lời giải thích. Metub đo đến bằng cách nào, có chuẩn mực hay không? Nếu rơi vào trường hợp chờ views về, thì sau vài ngày YouTube mới công bố số liệu về MV “Chạy ngay đi” cũng đã cho thấy một sự thận trọng và có trừ hao cả thời gian chờ views về. Thế nhưng, con số của YouTube công bố trước sau như một: 17,6 triệu lượt xem.
Suy cho cùng, MV của Sơn Tùng M-TP có là 17,6 triệu lượt xem hay 22 triệu lượt xem thì công chúng cũng chẳng được lợi lộc gì. Nhưng sự cách biệt về con số trên lại khiến dư luận đánh giá về chàng ca sĩ trẻ và êkíp, đối tác của anh ta khi công bố con số 22 triệu lượt xem. Dư luận đặt vấn đề về sự chính xác, độ chuẩn mực, và xa hơn là sự cố tình PR, khiến cho công chúng cảm giác bị “xỏ mũi” theo những số liệu do êkíp của Sơn Tùng M-TP và đối tác đưa ra.
Nhìn chung, các sản phẩm giải trí số luôn phải chạy theo views vì như thế tác giả, người nghệ sĩ sẽ gặt hái được rất nhiều thứ được xem là thành công. Tuy nhiên, chạy theo views mà để xảy ra sự hớ hênh chênh lệch tới 4,4 triệu views, tăng tới 25% lượng views so với con số do nền tảng mạng xã hội YouTube công bố thì lại gây nhiều nghi ngờ và khó thuyết phục được công chúng.
Vậy ai chính xác và ai không chính xác trong việc công bố các con số trên? Những con số trên dù chẳng “chết ai” đi nữa, nhưng hãy để cho nó luôn là một con số thực chứ không bị ảo – views ảo.