Sự nhượng bộ trên của Trung Quốc được đưa ra sau 2 ngày đàm phán giữa phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc
"Có một sự đồng thuận về việc thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại Mỹ-Trung. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc và nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng mạnh sức mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Mỹ", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố chung ngày 19.5 cho biết, đồng thời khẳng định thêm rằng 2 nước đặc biệt nhất trí tăng giá trị xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng của Mỹ.
Trong khi đó, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã dẫn lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc nhấn mạnh: "Cả 2 bên đã đạt được nhiều đồng thuận về việc phát triển quan hệ thương mại Trung-Mỹ lành mạnh". Ông Lưu cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác đầu tư song phương và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng khẳng định thêm rằng sẽ mất thời gian để giải quyết vấn đề cấu trúc bao phủ lên mối quan hệ thương mại Trung-Mỹ.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của Mỹ-Trung Quốc không đề cập đến ZTE, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vốn là tâm điểm của tranh cãi thương mại giữa 2 nước sau khi nhận lệnh cấm hoạt động của Mỹ. Washington cáo buộc ZTE nói dối về việc trừng phạt những nhân viên vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên và Iran.
Tuy nhiên, trong một động thái gây bất ngờ vào ngày 13.5, Tổng thống Trump chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hỗ trợ ZTE quay lại hoạt động bình thường.
Trước khi đạt được thỏa thuận chung, Mỹ và Trung Quốc từng đe dọa áp đặt các mức thuế quan trị giá hàng chục tỉ USD lên các sản phẩm xuất khẩu của nhau, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới.