Dân Việt

Để cải lương không chỉ có 100 năm

Kỳ Quan 20/05/2018 19:46 GMT+7
Tính từ ngày ra đời, sân khấu cải lương (SKCL) đã trải qua 100 năm. SKCL là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử nghệ thuật (NT) truyền thống nước nhà, khi suốt một thời gian dài nó chinh phục được đông đảo công chúng cả 3 miền Nam, Trung, Bắc. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100, SKCL đang đứng trước thử thách gay gắt, mà nếu không vượt qua được, nó sẽ “chết”.

img

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (thứ 9 từ trái qua) chúc mừng các nghệ sĩ trong đêm công diễn vở "Thầy Ba Đợi".

100 năm đình đám

Rời quê hương miền Trung, những lưu dân đầu tiên vào khai phá vùng đất phương Nam mang theo nỗi nhớ nhung da diết và đôi cầu hò, điệu lý. Đêm về bên ánh lửa bập bùng nơi bìa rừng, họ ngân nga tiếng hát cho vơi nỗi nhớ nhà, nỗi sợ thú dữ. Trải qua hàng trăm năm, họ đã sáng tạo nên dòng nhạc “dân ca Nam bộ”, mang âm hưởng dân ca miền Trung, nhưng khoáng đạt, phóng túng, thực tế hơn nhiều. Pháp xâm lược Việt Nam, triều đình Huế “thỏa hiệp” với giặc, nhiều nhạc sư của triều đình đã bất mãn rời bỏ kinh kỳ phiêu bạt phương Nam. Trong số đó nổi bật nhất là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (dân Nam bộ gọi là “thầy Ba Đợi”).

Họ đã có công truyền bá dòng nhạc bác học của triều đình, phối trộn với dân ca Nam bộ, hệ thống một cách bài bản, hình thành nên dòng nhạc Đờn ca tài tử (ĐCTT). Đến lượt mình, ĐCTT tiếp thu nghệ thuật biểu diễn của NT hát bội truyền thống để hình thành nên NT “ca ra bộ”. Để rồi, khi kịch nghệ phương Tây du nhập vào Việt Nam, tính kịch đã được NT “ca ra bộ” tiếp thu, hình thành nên NTCL. 

Đó là ngày 15.3.1918, tại rạp hát Thầy Năm Tú (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), tuồng hát Kim Vân Kiều được công diễn, đánh dấu sự ra đời của SKCL. Một năm sau, nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết bản ĐCTT “Dạ cổ hoài lang”, sau đó được các đồng nghiệp nâng lên thành bản “Vọng cổ”, đã trở thành bản nhạc “vua” của SKCL, thúc đẩy NTCL phát triển rực rỡ, rộng khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc. Tại miền Nam, vào thập niên 1960, SKCL phát triển rực rỡ, lấn át ca nhạc và tất cả các loại hình NT khác. NTCL đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng đất nước trong những năm chiến tranh. Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, vài thập niên trở lại đây, SKCL ngày càng hiu hắt. 

img

Cảnh trong vở “Thầy Ba Đợi“.

Để CL không “chết”

Kỷ niệm 100 năm NTCL, những người có trách nhiệm đã làm 2 việc rất có ý nghĩa: Tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của NTCL ở VN – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” và dựng vở diễn hoành tráng “Thầy Ba Đợi” qui tụ nghệ sĩ CL cả 3 miền.

Theo GS Hoàng Chương, NTCL hiện nay không còn đậm bản sắc CL như ngày xưa, bởi sự kết hợp giữa Tây và ta một cách tùy tiện. Sự cải tiến, cải cách NT không nguyên tắc, chỉ chạy theo cái mới chung chung mà không nắm bắt bản chất cốt lõi và quy luật phát triển của NT dân tộc. Còn theo PGS.TS Trần Trí, NTCL luôn “động” để tiếp biến các nền văn hoá khác và “rộng mở” đón nhận những thành tố lạ của các loại hình VHNT khác. Tuy nhiên, “động” và “mở” không thể thoát ly nền tảng cốt lõi hình thành nên NTCL là ĐCTT; phải luôn gắn bó mật thiết với văn hóa Việt, bằng văn hóa Việt, vì văn hóa Việt thông qua phong cách địa văn hóa từng vùng miền.

NSND Giang Mạnh Hà cho rằng những bất cập của SKCL hiện nay là kinh tế đất nước đã phát triển mà cả nước chưa có một nhà hát CL đúng chuẩn, trong khi hầu hết các rạp biểu diễn tại các tỉnh đều trở thành nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống âm thanh, ánh sáng của các đoàn hát đều cũ kỹ, lạc hậu, chắp vá. Trong khi mức chi trả cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên còn nhiều bất cập đã làm cho tình yêu SK bị xói mòn, động lực sáng tạo cống hiến bị phôi phai. Theo ông Hà, muốn CL tồn tại và phát triển, trước hết là cơ sở vật chất, xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm, chuyên nghiệp, không có nhà hát cố định thì nghệ sĩ không có điều kiện sáng tạo, dàn dựng và biểu diễn.  

Còn  NSƯT Trần Minh Ngọc thì cho rằng, CL đang thưa vắng khán giả ở TP.HCM, nơi từng là “cái nôi” SKCL, vì từ lâu CL đã không đổi mới theo kịp nhu cầu khán giả đô thị. Ông Ngọc cho rằng cần chuyên nghiệp hóa, tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho nghệ sĩ biểu diễn thay vì quá nhiều lý thuyết cũng như đào tạo đạo diễn chuyên ngành SKCL.