Dân Việt

XKLĐ sang Hàn Quốc: Người khác làm sai, hàng nghìn người mắc vạ

Minh Nguyệt 21/05/2018 06:00 GMT+7
Chỉ còn không đầy 1 tháng nữa là đến kỳ thi tiếng Hàn cho người đi xuất khẩu lao động, nhưng hàng nghìn lao động tại 49 huyện bị liệt vào danh sách cấm xuất cảnh lại đang phải chịu cảnh ngậm ngùi bởi học đã xong nhưng bị cấm không được thi...

Tuần trước, Bộ LĐTBXH thông báo cả nước có 107 quận/huyện (thuộc 12 tỉnh, thành phố) có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước trên 30%, thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018. Trong số 107 quận/huyện này, 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất, từ 60 người trở lên được yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động sang nước này trong năm 2018.

Nuốt đắng vào lòng

img

 Lao động Việt Nam đến sân bay Incheon, Hàn Quốc. HIện tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước chiếm 34% (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Theo số liệu, trong các huyện của 12 tỉnh thành bị dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc năm 2018, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đang dẫn đầu về số lượng.
-Nghệ An có tới 10 huyện/thị xã bị dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc gồm: TP.Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương.
- Hà Tĩnh có 7 huyện là Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc.
- Thanh Hóa có 5 huyện/thị xã là Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP.Thanh Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn. Tại Hà Nội có huyện Thường Tín, Đan Phượng, Quốc Oai…

20 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Thắng (xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghỉ học đi làm phụ hồ. Công việc vất vả, tháng chỉ nhận được tiền công rẻ mạt, cỡ 3-3,5 triệu đồng. Gia đình lại khó khăn, bố mẹ cũng làm nông nghiệp nên Thắng đã quyết tâm nghỉ việc  và đi học tiếng Hàn với mong muốn được sang Hàn Quốc làm việc để về hỗ trợ gia đình.

“Trước khi đi học, em cũng nghe mọi người nói về việc một số huyện bị dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc, trong đó có Hoằng Hóa. Tuy nhiên, cuối năm ngoái có thông tin tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm nên chắc họ sẽ bỏ lệnh cấm. Nghe vậy nên em vẫn đi học tiếng, ai ngờ học xong rồi mà giờ lại không được thi” – Thắng ngậm ngùi.

Tính ra, tiền đi học tiếng Hàn cũng mất hơn 20 triệu, chưa kể tiền ăn uống, chi tiêu. 2 năm theo đuổi học tiếng Hàn là 2 năm Thắng cũng chẳng làm ăn được gì ngoài việc phụ bố mẹ làm mấy sào ruộng. “Nghĩ đi nghĩ lại thấy lệnh cấm này bất hợp lý quá, không lẽ tụi em không làm gì sai mà giờ phải chịu thay những lao động kia. Mong sao cơ quan quản lý nhà nước sớm có nghiên cứu để bỏ lệnh cấm này đi” – Thắng nói.

Không chấp nhận phí tiền của và công sức học tiếng, một số lao động ở cùng huyện của Thắng đã tìm cách “chạy” hộ khẩu, chuyển khẩu sang một địa phương khác với hy vọng sẽ được thi tiếng Hàn và đỗ để đi làm việc.

Nguyễn Thị Y (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa) từ lâu cũng đã có mong muốn được học tiếng Hàn để qua Hàn làm việc. “Thấy mọi người nói qua Hàn Quốc làm việc rất khó. Thi tiếng Hàn khó hơn thi đại học, mà thi xong chưa chắc được chủ lựa chọn. Thêm vào đó, giờ lại còn có lệnh cấm xuất cảnh với lao động ở các huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, thế nên nhiều người như tôi cũng khó có cơ hội” – chị Y nói.

Chính bởi khó khăn ấy mà cách đây 2 năm, chị Y đã tìm cách lách luật bằng cách xin chuyển hộ khẩu lên một huyện miền núi. Mặc dù học tiếng Hàn được 2 năm nhưng đến nay Y vẫn chưa thi đậu để đi Hàn Quốc như mong đợi. “Các khoản nợ ngày một nhiều lên, tiếng Hàn học lâu cũng dần quên, mà ôn lại thì lại tốn kém. Thế nên nếu năm nay không đậu nữa thì mình sẽ từ bỏ rồi về quê đi làm công nhân may ở khu công nghiệp gần nhà” – chị Y tâm sự.

Số huyện bị cấm đã giảm

img

Theo thông báo mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), năm 2018 có 49 quận/huyện bị dừng tuyển chọn lao động đưa sang Hàn Quốc làm việc do có nhiều lao động của các địa phương này sau khi hết hạn hợp đồng đã không chịu về nước, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. So với năm 2017, số địa phương bị cấm đã giảm 9 huyện (năm 2017 là 58 huyện), mặc dù vậy đây vẫn là con số rất cao.

Bà Phạm Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa… vẫn là các địa phương có nhiều huyện bị cấm nhất.

“Phía Hàn Quốc còn thông báo nếu số lượng và tỷ lệ lao động của các địa phương này cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2018 mà không giảm sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2019” – bà Lan nói.

Còn theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước thì thời gian qua Cục cũng đã có nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống. Có thể kể đến như giải pháp tuyên truyền, phát tờ rơi vận động gia đình, địa phương kêu gọi con em về nước. Thực hiện yêu cầu ký quỹ 100 triệu đồng trước lúc xuất cảnh, phối hợp phía Hàn tiến hành thanh kiểm tra, trục xuất lao động bỏ trốn. Ngoài ra, dừng tuyển lao động tại với một số huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao trong cả nước.

Là địa phương có tỷ lệ quận/huyện bị cấm cao nhất cả nước (10 quận/huyện) tỉnh Nghệ An cũng đang làm hết  để thực hiện giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống mức thấp nhất. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN,  ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An lấy làm tiếc về việc địa phương có quá nhiều quận/huyện bị dừng tuyển lao động. Qua nghe ngóng, ông Thắng cũng cho biết có nhiều lao động cảm thấy bất công trước việc họ không được đi Hàn Quốc chỉ vì những lao động khác ở lại nước bạn bất hợp động. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quán triệt với lao động đã và đang học tiếng, rằng đã là quy định thì lao động và địa phương vẫn phải tuân thủ” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, thời gian qua Nghệ An cũng đã rất nỗ lực phối hợp nhiều tổ chức đoàn thể thực hiện tuyên truyền cho người dân, lao động. Nhờ nỗ lực ấy mà số quận huyện của tỉnh bị dừng tuyển lao động đã giảm 1 huyện so với năm 2017.

“Thời gian tới cơ quan quản lý cần phối hợp với phía Hàn Quốc tổ chức thêm cuộc rà soát, truy quyét lao động bất hợp pháp bên nước bạn. Bên cạnh đó, cơ quan trung ương nên phối hợp với địa phương, mời địa phương qua Hàn Quốc thực hiện tuyên truyền trực tiếp với lao động đang ở bên đó để nâng cao tinh thần đoàn kết, tự tôn tự ái, từ đó kêu gọi lao động về nước đúng hạn. Thứ ba cũng cần đẩy mạnh việc xử phạt theo Nghị định 95, thậm chí có thể nâng mức xử phạt lên cao hơn” – ông Thắng kiến nghị.