Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước thông tin về thành lập đặc khu
Để chuẩn bị cho chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với nhiều điểm sáng, tích cực.
Đánh giá về những con số, nhận định từ phía Chính phủ gửi lên về tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2018, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhất trí với những kế quả bước đầu, tuy nhiên cũng đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể.
Tăng trưởng con thiếu thực chất
Trong đó, đáng lưu ý, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017 cho thấy bước khởi đầu thuận lợi phát triển kinh tế năm 2018, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu nền kinh tế vẫn định hình như các năm trước đây tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, do vậy cần phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu có đóng góp quan trọng trong thời gian qua thì vẫn chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương được xác định là các cực tăng trưởng của đất nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 nhưng áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn, trong đó chủ yếu là từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm, đồng thời cần quan tâm đến sự tác động của tăng giá dầu và các mặt hàng chủ lực xuất nhập khẩu đến tăng giá trong nước.
Trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, còn có khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Tình hình chăn nuôi gia cầm còn khó khăn, sản xuất rau, củ, quả dư thừa ở một số địa phương, vẫn còn hiện tượng phải “giải cứu” nông sản; Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử…), khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Vốn đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm mạnh
Đáng lưu ý, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (tính đến ngày 20/4/2018) ước đạt 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt thấp (4 tháng đầu năm ước giải ngân đạt 16,4% dự toán, thấp hơn mức 22,3% cùng kỳ năm 2017); một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ; chậm hoàn thành thủ tục trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA có tổng mức đầu tư lớn tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng nên sẽ khó bố trí nguồn để bù đắp nếu có khoản chi phát sinh.
Huy động vốn vay cho cân đối ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng lên, huy động nguồn vốn từ xã hội có nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm, tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 32%) như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (29,2% dự toán), thuế bảo vệ môi trường (28,7% dự toán).
Về lĩnh vực tiền tệ, công tác điều hành tỷ giá và lãi suất trong năm 2018 vẫn còn phải đối mặt với những diễn biến khó lường do tác động từ chính sách tiền tệ của một số nước lớn, tình hình chính trị trên thế giới. Tình trạng sử dụng tiền ảo còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý.
Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đang tiếp tục được triển khai, tuy nhiên, tại một số địa phương còn có quỹ tín dụng nhân dân hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, đã và đang được kiểm soát đặc biệt và từng bước xử lý bảo đảm an toàn hệ thống.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua một số vụ việc liên quan đến ngành hải quan, thuế mới đây cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt hơn để loại bỏ các khoản chi phí không chính thức, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất chậm, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chưa có chuyển biến mang tính đột phá.
Quá trình cơ cấu lại các DNNN chưa đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả như yêu cầu. Một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của doanh nghiệp, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai… thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn của nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm được hoàn thiện.
Có hiện tượng sốt đất “ảo” tại 3 đặc khu kinh tế
Uỷ ban Kinh tế cũng nhận định, trong 4 tháng đầu năm, thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên ở một số địa phương nhất là các thành phố lớn và tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu sản phẩm chưa đầy đủ, thông tin thị trường chưa minh bạch. Một số loại hình sản phẩm mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… chưa được quy định một cách chặt chẽ.
Tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước tình hình nêu trên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và bán tài sản nhà nước; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương. Đề nghị cần báo cáo về việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư.