Dân Việt

Khai mạc kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV: Chất vấn “hỏi nhanh, đáp gọn”

Lương Kết 21/05/2018 07:06 GMT+7
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng nay (21.5) tại Hà Nội, dự kiến kéo dài trong 20 ngày. Điểm đặc biệt của kỳ họp này là phiên chất vấn sẽ được cải tiến theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”, ĐB hỏi không quá 1 phút, bộ trưởng trả lời không quá 3 phút mỗi câu hỏi.

img

Sáng nay, theo dự kiến, sau khi các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Theo thông lệ, tại kỳ họp này Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật và hoạt động giám sát tối cao (60% thời lượng). Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...

Các dự án luật khác được cho ý kiến gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...

Kỳ họp lần này tăng thêm các phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp với 15 phiên toàn thể chiếm 40% tổng thời lượng kỳ họp. Trong đó, nhiều nội dung đang được cử tri và nhân dân cả nước dõi theo như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)…

Đáng chú ý, phiên chất vấn áp dụng phương thức hỏi nhanh đáp gọn, theo đó đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong 3 phút. Cứ sau 3 người hỏi thì người được chất vấn sẽ trả lời.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét cải tiến này sẽ giúp phiên chất vấn sôi động hơn vì số lượng đại biểu được hỏi nhiều hơn, nội dung hỏi chắt lọc hơn. Còn thành viên Chính phủ phải trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Thay đổi này cũng tránh tình trạng trùng lặp nội dung chất vấn, tăng thời gian tranh luận các vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình:

Người điều hành phải rất linh hoạt

Đổi mới hoạt động chất vấn với việc đại biểu hỏi 1 phút, Bộ trưởng có 3 phút trả lời có một số ưu điểm. Thứ nhất, câu hỏi của người chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, đúng trọng tâm không được dẫn dắt dài dòng; thứ hai là sẽ có nhiều đại biểu được chất vấn; thứ ba Bộ trưởng khi trả lời phải đi thằng vào vấn đề, đúng trọng tâm để tiết kiệm thời gian để nhiều người được hỏi.

Tuy nhiên hình thức chất vấn này có mặt hạn chế, việc chất vấn nhanh và trả lời nhanh nhiều khi vấn đề không được sâu. Tôi cho rằng, quy định mới là như vậy nhưng vẫn có “phần cứng” và phần mềm. Nghĩa là không phải lúc nào người trả lời cũng chỉ trong 3 phút, có những vấn đề có thể trả lời đến 4 -5 phút. Khi người trả lời đi thẳng vào trọng tâm theo yêu cầu của nội dung câu hỏi dù có quá thời gian các đại biểu cũng sẽ thông cảm. Với hình thức chất vấn mới này cần sự linh hoạt của người điều hành.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH:

Tăng trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời.

Hình thức mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội đã được thực hiện thí điểm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đem lại kết quả tích cực. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV này được đưa vào áp dụng tôi cho rằng là hướng đi hợp lý. Việc đổi mới sẽ tăng trách nhiệm của người hỏi, người hỏi phải làm sao nêu đúng, trúng vào chủ đề đã đặt ra. Nếu câu hỏi không đúng, không trúng, người trả lời hứa trả lời bằng văn bản thì đồng nghĩa câu hỏi của đạt biểu đặt ra mất giá trị.

Hình thức trả lời chất vất mới cũng tăng trách nhiệm của người trả lời. Chỉ có 3 phút mà người trả lời không nói được hết ý, các đại biểu sẽ đánh giá năng lực. Để trả lời tốt, các vị Bộ trưởng ngoài năng lực bao quát, nắm chắc lĩnh vực phụ trách còn phải biết phân phối nội dung khi trả lời để đảm bảo đúng thời gian.

Với cách đổi mới này, tôi hy vọng trong phiên chất vấn sẽ có nhiều đại biểu được hỏi và vấn đề sẽ được Bộ trưởng, trưởng ngành thông tin kịp thời những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Điều đó làm cho hoạt động chất vấn của Quốc hội phong phú, sinh động hơn.

Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe:

Kỳ vọng Luật tố cáo được thông qua có nhiều điểm mới

Trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV, sẽ có 8 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua, trong đó có Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Đáng chú ý, về hình thức tố cáo (tại Điều 20), còn có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án Luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước. Loại ý kiến thứ hai, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử...

Về vấn đề này tôi cho rằng, luật giao dịch điện tử đã có từ rất lâu, tất cả những giao dịch bằng phương tiện điện tử đều có giá trị cả.

Thực tế, những giao dịch điện tử đã được pháp luật thừa nhận, không thể không chấp nhận hình thức tố cáo đó. Tuy nhiên, người tố cáo khi tố cáo cần phải làm rõ là gửi tố cáo ai, gửi tới cơ quan nào và truyền đạt thông điệp tới các cơ quan chức năng có nhiệm vụ, không thể đăng khơi khơi lên các trang mạng xã hội rồi để đấy.

Theo tôi, việc quan trọng ở đây là các tổ chức giải quyết tố cáo của người dân người ta có làm tròn trách nhiệm hay không. Làm sao để tình trạng không còn việc khiếu kiện, tố cáo kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vừa rồi cũng có nhiều trường hợp được thông tin là người ta đã đi khiếu nại tố cáo hàng chục năm nay rồi.

Ngọc Lương - Bách Thuận (ghi)